Thực trạng KT - XH của huyện Sơn Động

|
Lượt xem:

Bên cạnh những thuận lợi do được Nhà nước đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với huyện đặc biệt khó khăn, nhất là Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Sơn Động còn nhiều khó khăn do xuất phát điểm nền kinh tế còn thấp, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, hạ tầng kinh tế thấp kém, trình độ dân trí hạn chế và không đồng đều, thời tiết diễn biến phức tạp khó lường. Song được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước các cấp, trên hết là phát huy nguồn lực nội sinh và ý chí vươn lên mạnh mẽ, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết vượt qua khó khăn, linh hoạt, sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển KT, VH, XH, đảm bảo ANQP, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống người dân.

Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử. Ảnh Xuân Thoả

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân trên địa bàn là 10,3%. Trong đó: Nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,6%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,1%; dịch vụ tăng 7,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,29%, giảm 12,17%; công nghiệp - xây dựng chiếm 51,17%, tăng 9,79%dịch vụ chiếm 22,54%, tăng 2,38% so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 25,7 triệu đồng/người/năm, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt.

1. Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới:

Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt bình quân 27.672 tấn, đạt 101% kế hoạch; giá trị sản xuất bình quân trên 1,0 ha đất nông nghiệp đạt 70 triệu đồng. Sản lượng quả các loại đạt 37.763 tấn, giá trị sản phẩm từ cây ăn quả đạt 450 tỷ đồng. Đã xây dựng và hình thành được một số sản phẩm đặc trưng chủ lực có nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời xúc tiến đưa các sản phẩm ra thị trường như: Mật ong Tây Yên Tử, Nấm lim xanh Tây Yên Tử, Rượu men lá Như Bảo, Rượu men lá Thảo Mộc Linh. Chăn nuôi tiếp tục có bước phát triển. Tổng đàn trâu 5.734 con, đàn bò 2.546 con, đàn lợn 59.180 con, đàn gia cầm 855.000 con. Sản lượng thịt hơi các loại 9.732 tấn, tăng 522 tấn so với nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Năm 2020, Mật ong Tây Yên Tử đạt danh hiệu sản phẩm nông nghiệp vàng Việt Nam. Ảnh Xuân Thoả

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Đã có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân và các ngành chức năng các cấp; tăng cường công tác tuần tra rừng, kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến và kinh doanh lâm sản, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từ đó, tình trạng đốt, phá rừng, lấn chiếm đất rừng giảm mạnh qua từng năm (năm 2016: 110 vụ, năm 2017: 86 vụ, năm 2018: 07 vụ, năm 2019: 02 vụ). Các chính sách, dự án hỗ trợ, đầu tư của nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện kịp thời, đã đẩy mạnh trồng rừng kinh tế với quy mô bình quân đạt 2.500 ha/năm và áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất giống cây lâm nghiệp đảm bảo rút ngắn chu kỳ kinh doanh, cho năng suất, chất lượng cao. Trong nhiệm kỳ, toàn huyện đã trồng được 15.044,2 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 77,5%. Huyện ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả trồng rừng kinh tế, như: Hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật trồng rừng, khuyến khích trồng các loại cây có thế mạnh của địa phương, cây gỗ lớn, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp khai thác, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Giá trị từ việc trồng rừng kinh tế, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt bình quân 580,46 tỷ đồng/năm, đã góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo tại địa phương.Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện chương trình. Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt 1.620 tỷ đồng. Từ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm, đời sống của nhân dân được nâng lên. Đến nay, bình quân toàn huyện đạt 13,38 tiêu chí/xã (tăng 3,67 tiêu chí so với năm 2015), trong đó, có 03 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên, các xã còn lại đều đạt từ 10 đến 13 tiêu chí.

Chiến biến gỗ rừng trồng là thế mạnh của huyện Sơn Động. Ảnh Xuân Thoả

2. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng về số lượng và chất lượng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2.217,8 tỷ đồng, tăng 16,0%. Số cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 141 cơ sở (từ 419 cơ sở năm 2015 lên 560 cơ sở năm 2020), trong đó, công nghiệp tăng 05 cơ sở, tiểu thủ công nghiệp tăng 136 cơ sở. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn được quan tâm chỉ đạo. Một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp bước đầu đã tạo được uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài huyện như: Gạch tuynel Tuấn Đạo, Yên Định; gạch không nung tại thị trấn Tây Yên Tử,... Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn huyện được tăng cường, từng bước đi vào nền nếp; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng

3. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch

Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ, xã An Lạc, huyện Sơn Động. Ảnh Xuân Thoả

Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; mạng lưới chợ nông thôn được củng cố và duy trì ở cả 6 cụm xã trong huyện, góp phần quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường, góp phần làm lành mạnh thị trường sản phẩm, hàng hóa; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 11,99%/năm. Dịch vụ bưu chính, viễn thông, vận tải phát triển khá, chất lượng ngày càng được nâng lên; thông tin liên lạc được bảo đảm thông suốt, phục vụ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền và đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hoạt động tài chính, tiền tệ đạt được kết quả tích cực, các ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp huy động vốn, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 1.620,091 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương 574,725 tỷ đồng, huy động vốn tại địa phương 1.043,366 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tại các ngân hàng 1.569,225 tỷ đồng; trong đó, cho vay theo chế độ chính sách xã hội trên 500 tỷ đồng. Tích cực làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương, thu hút đầu tư phát triển du lịch. Trong nhiệm kỳ, đã hoàn thành giai đoạn 1 việc xây dựng Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử với tổng vốn đầu tư đạt 900 tỷ đồng, hiện đang tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2. Từ năm 2018 đến nay, Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử được duy trì tổ chức, góp phần làm cho lượng khách du lịch đến huyện tăng mạnh, đạt trên 500 nghìn lượt khách. Doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt trên 110 tỷ đồng.

4. Thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội

Tuyến đường liên xã Giáo Liêm, Yên Định kết nối với trung tâm thị trấn An Châu được đầu tư làm mới. Ảnh Xuân Thoả

Thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/TU của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác cải cách thủ tục hành chính; tập trung giải phóng mặt bằng, phối hợp giải quyết kịp thời vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, công khai quy hoạch; đầu tư hạ tầng giao thông,... Do vậy, môi trường đầu tư, kinh doanh của huyện đã có bước cải thiện đáng kể. Trong nhiệm kỳ, đã có 31 dự án về công nghiệp, hạ tầng, thương mại, dịch vụ được chấp thuận đầu tư vào huyện với tổng vốn đăng ký là 4.812,57 tỷ đồng. Các dự án được thu hút theo hướng có chọn lọc, ưu tiên công nghệ tiên tiến, ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một số dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, nhà máy gạch Tuynel tại xã Yên Định, các dự án chăn nuôi của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang, Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn (RTD) đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường, lớp học,...; hỗ trợ xây mới, nâng cấp nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; tu bổ di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm đạt 10.422,23 tỷ đồng, đạt MTĐH; hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 (đoạn qua thị trấn An Châu), Đường tỉnh 293, tuyến đường Bồng Am, Thanh Luận, Long Sơn và một số tuyến đường huyện. Phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, trong 5 năm, đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 347,37 km đường giao thông nông thôn, đạt 100% kế hoạch. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi với 99,4 km kênh mương (chiếm tỷ lệ 53,2%); hệ thống cung cấp nước hợp vệ sinh đã phát triển mở rộng đến 17 xã, thị trấn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Hạ tầng văn hóa, xã hội tiếp tục được tăng cường. Trường học, trạm y tế được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 90,16%; đã xây mới và cải tạo, nâng cấp 06 trạm y tế; Trung tâm Y tế huyện được cải tạo, nâng cấp về cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; tỷ lệ nhà văn hóa xã đạt 82,6%, nhà văn hóa thôn đạt 78,5% (tăng 39,4% so với năm 2015)

5. Phát triển văn hóa, xã hội

Bộ mặt nông thôn mới đã thay da đổi thịt. Ảnh Xuân Thoả

Quy mô trường, lớp trên địa bàn huyện được duy trì ổn định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa. Đã có 48/61 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 78,69% (trong nhiệm kỳ có thêm 9 trường được công nhận đạt chuẩn). Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn là 99,94%, trong đó, trên chuẩn đạt 87,1%. Hằng năm, công tác bố trí, sắp xếp giáo viên luôn được quan tâm, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối cục bộ giữa các địa phương và giữa các bộ môn. Phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học; coi trọng dạy và học tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và dạy học. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tiến bộ; xếp loại học lực khá, giỏi các cấp học hằng năm đều tăng, có trên 3.000 học sinh đạt loại giỏi văn hóa cấp huyện trở lên (trong đó đạt cấp tỉnh 130 học sinh), tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS, THPT hằng năm đều đạt gần 99%. Trong nhiệm kỳ, có gần 2.000 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiệm vụ giáo dục thường xuyên và dạy nghề được quan tâm. Phong trào khuyến học, khuyến tài tiếp tục nhận được sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập. Toàn huyện có 18 hội khuyến học, 264 chi hội khuyến học với 12.577 hội viên. Công tác xây dựng và sử dụng quỹ khuyến học các cấp được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2015 đến năm 2019, quỹ khuyến học các cấp đạt 1,83 tỷ đồng. Các cấp hội đã sử dụng quỹ hội để khuyến khích, khen thưởng gần 800 lượt tập thể, cá nhân thực hiện tốt các phong trào thi đua khuyến học trên địa bàn. 

 6. Chăm sóc sức khỏe nhân dân

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số, bảo vệ và chăm sóc trẻ em thường xuyên được quan tâm. Cơ sở vật chất của hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở được đầu tư, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa. Đội ngũ y bác sĩ tăng cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện. Đến nay, bình quân toàn huyện có 8,5 bác sĩ, 0,4 dược sĩ đại học, 27 giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế là 17/17 xã, thị trấn. Toàn huyện có 61 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, trong đó: 16 cơ sở hành nghề y, 45 cơ sở kinh doanh dược phẩm, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hoạt động y tế dự phòng, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, không để dịch bệnh xảy ra. Chất lượng dân số ngày càng được nâng lên. Trẻ em được tạo điều kiện tốt hơn để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.Việc thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn huyện là 10.000 người, chiếm khoảng 18% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 214 người (năm 2015) lên trên 700 người (năm 2020), chiếm 1,26% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 99,9%.

7. Chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân

Các chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được bảo đảm. Trong 5 năm qua, đã vận động ủng hộ xây dựng “Quỹ vì người nghèo” gần 3,5 tỷ đồng; “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” hơn 700 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 247 nhà ở cho các đối tượng; trao tặng 31.710 suất quà, trị giá gần 13 tỷ đồng trong các dịp Tết Nguyên đán. Nhiều hộ nghèo được quan tâm động viên, hỗ trợ về vốn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế, đã có ý thức quyết tâm vươn lên thoát nghèo; đời sống nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 5,5%/năm (từ 50,81% năm 2015 xuống 28,29% năm 2019)Công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm và xuất khẩu lao động luôn được quan tâm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%. Hằng năm, số lao động được tạo việc làm mới gần 3.000 người, trong đó, có trên 260 người/năm đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 55,3%, công nghiệp - xây dựng chiếm 18,6%, dịch vụ chiếm 26,1%.

7. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự

Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được quan tâm chỉ đạo; thường xuyên nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời xử lý các tình huống đột xuất về an ninh trật tự, các mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, không để phát sinh điểm nóng. Công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội được đẩy mạnh; đã chỉ đạo điều tra làm rõ 197/232 vụ án hình sự, đạt 84,91%. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được tăng cường, tập trung kiểm soát việc chấp hành quy định của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (xảy ra 40 vụ, giảm 03 vụ, giảm 04 người chết, giảm 06 người bị thương so với nhiệm kỳ 2010 - 2015). Việc xây dựng lực lượng công an nhân dân được tập trung thực hiện theo hướng vững mạnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, sâu sát hơn với cơ sở. Hoàn thành việc điều động, bố trí công an chính quy về công tác tại 17/17 xã, thị trấn.

Thứ ba, 19/03/2024

BẢN ĐỒ BẢN ĐỒ

 

 

TRUYỀN THANH SƠN ĐỘNG TRUYỀN THANH SƠN ĐỘNG

Slider ảnh Slider ảnh

THÔNG TIN TRỢ GIÚP THÔNG TIN TRỢ GIÚP

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,555
Tổng số trong ngày: 3,060
Tổng số trong tuần: 15,681
Tổng số trong tháng: 176,529
Tổng số trong năm: 633,970
Tổng số truy cập: 6,234,454