Lịch sử hình thành tên gọi và quá trình phát triển địa giới hành chính huyện Sơn Động:

|
Lượt xem:

Ngày 13/2/1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập huyện Sơn Động gồm ba tổng cắt ra từ huyện Lục Ngạn, gồm: Tổng Biển Động (được nhập thêm xã Phúc Thắng thuộc tổng An Châu, tỉnh Quảng Yên); Tổng Niêm Sơn (được sáp nhập thêm toàn bộ đất đai đồn điền nằm ven bờ sông Lục Nam thuộc tổng Trù Hựu) và Tổng Hả Hộ, huyện lỵ đặt tại Biển Động.

Ngày 11/5/1917, Quyền Thống sứ Bắc Kỳ ra Nghị định bãi bỏ huyện Yên Bác (Quảng Yên). Đất đai huyện Yên Bác sáp nhập vào huyện Sơn Động.
Ngày 25/9/1919, huyện Sơn Động đổi thành châu Sơn Động.
Năm 1927, chính quyền thực dân Pháp tiến hành tổng điều tra dân số, châu Sơn Động khi đó có 8 tổng, 53 xã, 15.342 nhân khẩu.
Tổng Biển Động có 10 xã: Biển Động, Biển Động phố, Cẩm Đàn, Chiên Sơn, Giáo Liêm, Huân Vi, Phúc Thắng, Quế Sơn, Thảo Nhàn, Xa Lý, với 1.719 nhân khẩu.
Tổng Cấm Sơn có 6 xã: Cấm Sơn, Gia Lộc, Hộ Đáp, Linh Sơn, Ninh Phong, Văn Lung, với 3.156 nhân khẩu.
Tổng Đông Đoàn có 6 xã: An Lạc, Hữu Sản, Lâm Ca, Lệ Viễn, Thái Bình, Vĩnh Khương, với 1.713 nhân khẩu.
Tổng Hả Hộ có 7 xã: Gia Sơn, Hả Hộ, Hộ Đáp, Hữu Bằng, Kỳ Công, Phục Lạp, Xuân Trì, với 1.936 nhân khẩu.
Tổng Niêm Sơn có 11 xã: Đèo Gia, Hữu Tập, Mai Tô, Mỹ Động, Niêm Sơn, Phì Điền, Phú Nhuận, Sơn Lãng, Tam Đồng, Thích Xá, Vật Phú, với 2.030 nhân khẩu.

Tổng Tây Đoàn có 6 xã: An Bố, An Châu, An Châu phố, Nhân Định, Tiên Lý, Tuấn Đạo, với 2.505 nhân khẩu.
Tổng Tứ Trang có 3 xã: Bồng Am, Thanh Luận, Tuấn Mậu, với 594 nhân khẩu.
Tổng Vị Loại có 3 xã: Dương Hưu, Hạ Long, Thượng Long, với 1.689 nhân khẩu.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ; 53 xã cũ hợp nhất lại thành 41 xã.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để thuận tiện cho việc chỉ đạo, tháng 7/1947, Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu I quyết định cắt các xã phía đông huyện Sơn Động cùng 10 xã tả ngạn sông Lục Nam thuộc huyện Lục Ngạn sáp nhập với huyện Hải Chi (Hải Ninh) thành lập châu Lục Sơn Hải trực thuộc tỉnh Quảng Hồng. Tháng 12/1948, liên tỉnh Quảng Hồng chia thành tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai. Đầu năm 1949, châu Lục Sơn Hải giải thể, huyện Sơn Động và 10 xã huyện Lục Ngạn đưa về tỉnh Quảng Yên.

Ngày 17/2/1955, khu Hồng Quảng thành lập, huyện Sơn Động và 10 xã huyện Lục Ngạn trở lại tỉnh Bắc Giang.
Ngày 21/1/1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 24/TTg chia hai huyện Sơn Động, Lục Ngạn thành ba huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.
Sau khi điều chỉnh địa giới huyện theo Nghị định 24/TTg của Thủ tướng Chính phủ, địa giới huyện và các xã huyện Sơn Động tiếp tục có sự điều chỉnh.
Ngày 21/8/1958, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 254-NV chia xã Thanh Luận thành hai xã Thanh Luận, Thanh Sơn; xã Vĩnh Khương thành hai xã Vĩnh Khương và Phú Cường (nay là xã Vân Sơn).
Ngày 14/3/1963, Chính phủ ra Quyết định số 25-CP cắt xã Đèo Gia thuộc huyện Sơn Động sáp nhập vào huyện Lục Ngạn.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II, Quốc hội đã ra Nghị quyết sáp nhập xã Hữu Sản thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Hải Ninh vào huyện Sơn Động, tỉnh Hà Bắc.
Ngày 1/10/1964, sáp nhập xã Hữu Sản thuộc huyện Đình Lập (tỉnh Hải Ninh) vào huyện Sơn Động.
Ngày 30/1/1985, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 21-HĐBT giải thể xã Phúc Thắng để sáp nhập vào xã Quế Sơn và trường bắn TB1; giải thể xã Thạch Sơn để sáp nhập vào xã Vân Sơn và trường bắn TB1.
Ngày 11/12/1991, Chính phủ ra Quyết định số 642-CP thành lập thị trấn An Châu trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính hai xã An Châu và An Lập.
Ngày 19/10/1993, tái lập xã Phúc Thắng trên cơ sở 2 xóm đã cắt về xã Quế Sơn và phần diện tích còn lại do trường bắn TB1 bàn giao lại.
Ngày 19/10/1993, tái lập xã Thạch Sơn trên cơ sở 1 xóm đã cắt về xã Vân Sơn và phần diện tích do Trường bắn TB1 bàn giao lại.
Ngày 6/11/2008, Chính phủ ra Nghị định số 05/NĐ-CP thành lập thị trấn Thanh Sơn trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính hai xã Thanh Sơn và Thanh Luận và thành lập xã Tuấn Mậu.

Ngày 21/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 813/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bắc Giang. Theo đó: Sáp nhập xã Tuấn Mậu vào thị trấn Thanh Sơn thành lập thị trấn Tây Yên Tử, sáp nhập xã Bồng Am với xã Tuấn Đạo thành xã Tuấn Đạo, sáp nhập xã An Châu vào thị trấn An Châu, sáp nhập xã An Lập với xã Vĩnh Khương thành lập xã Vĩnh An, sáp nhập  xã Chiên Sơn với xã Quế Sơn thành lập xã Đại Sơn, sáp nhập xã Phúc Thắng với xã Thạch Sơn thành lập xã Phúc Sơn. 
Đến nay, huyện Sơn Động có 15 xã và 2 thị trấn: Thị trấn An Châu, Hữu Sản, An Lạc, Vân Sơn, Vĩnh An, Lệ Viễn, An Bá, Yên Định, Cẩm Đàn, Đại Sơn, Giáo Liêm, Phúc Sơn, Long Sơn, Dương Hưu, Thanh Luận, thị trấn Tây Yên Tử, Tuấn Đạo. 

Thung lũng An Châu - trung tâm hành chính huyện Sơn Động 

Truyền thống chống giặc ngoại xâm 

Từ xa xưa, nhân dân các dân tộc Sơn Động đã có truyền thống đoàn kết đấu tranh với thiên nhiên, sát cánh bên nhau trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ XIII, nhân dân các dân tộc Sơn Động đã cùng nhân dân lộ Bắc Giang tổ chức chặn đánh ở Xa Lý (Khả Lý), Nội Bàng, tiêu diệt một phần sinh lực địch, góp phần vào thắng lợi chung của quân, dân triều Trần.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XV, tướng quân Vi Đức Lục được cử lên chốt giữ vùng Sơn Động hiểm yếu chặn đánh quân Minh. Ông dựng bản doanh tại An Châu, tổ chức xây dựng lực lượng, tích trữ lương thực, giữ yên một vùng, góp phần rất lớn vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân xâm lược Minh ra khỏi bờ cõi. Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân đã xây dựng đền thờ ông ở làng Chẽ (Bích Trĩ). Đền thờ ông nhân dân gọi là miếu Đức Vua Ông, hàng năm tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng tư âm lịch.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng nhân dân các dân tộc Sơn Động đã đóng góp nhân lực, vật lực cùng nhân dân cả nước đánh bại cuộc xâm lược của triều đại phong kiến Mãn Thanh.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân các dân tộc Sơn Động một lòng theo Đảng, cùng nhân dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. 

 

 

Nơi diễn ra Đại hội thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Sơn Động tại xã Thanh Luận

 

 Còn ngôi nhà này chính là nơi đặt Trụ sở làm việc đầu tiên của Huyện ủy Sơn Động 

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngay từ những ngày đầu, nhân dân các dân tộc Sơn Động đã phải đương đầu với cuộc tiến công của thực dân Pháp. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc đã đoàn kết một lòng, đóng góp nhân lực, vật lực cho kháng chiến, góp phần vào chiến thắng trong các chiến dịch Biên giới (cuối năm 1950), đường 18 (năm 1951)... Cuối năm 1950, Sơn Động hoàn toàn được giải phóng. Từ đây, nhân dân các dân tộc Sơn Động vừa xây dựng cuộc sống mới, vừa chi viện cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân các dân tộc Sơn Động vừa hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa anh dũng chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cao nhất sức người, sức của cho cách mạng miền Nam với tinh thần Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Hợp tác xã Thượng (Cẩm Đàn) là hợp tác xã miền núi đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha; Tiểu đội dân quân xã Dương Hưu với bảy viên đạn súng trường hạ một máy bay phản lực A4E của đế quốc Mỹ, là đơn vị đầu tiên của tỉnh bắn rơi máy bay phản lực địch bằng súng bộ binh, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... 

 Tổ Dân quân xã Dương Hưu bắn rơi máy bay Mĩ bằng súng trường CKC 

Từ năm 1945 đến năm 2005, Sơn Động có 5996 người nhập ngũ, có 720 người hy sinh. Huyện Sơn Động và 2 xã Dương Hưu, Tuấn Đạo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước; toàn huyện có 7 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. 

 Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVTND huyện Sơn Động, ngày 19/12/2005 

Dân cư và bản sắc văn hóa 

Năm 1975, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở thôn Khe Táu (xã Yên Định) 11 di vật bằng đá cuội quartriote. Đây là những công cụ chặt, đập được chế tác bằng đá cuội gồm công cụ có biên lưỡi theo chiều ngang, theo hình cánh cung, công cụ lưỡi vát hình chữ V. Ở thị trấn An Châu cũng thu được bốn công cụ bằng đá quartriote và đá cuội sa thạch dạng tam giác có rìa cạnh, rìa lưỡi, lưỡi và lưỡi vát. Những công cụ này thuộc thời đá cũ, cách ngày nay hàng vạn năm. Ở Mai Sưu, Vô Tranh (trước đây thuộc Sơn Động, ngày nay thuộc Lục Nam) các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rìa đá thuộc thời đá mới, cách ngày nay từ năm nghìn năm đến một vạn năm. Những phát hiện của khảo cổ học trên chứng minh con người đã có mặt ở Sơn Động từ khá sớm.

Các di chỉ, di vật khảo cổ học cùng những huyền tích, thần phả còn lưu lại đã làm sống lại chuỗi dãy lịch sử liên tục về sự di trú của cư dân đất Sơn Động. Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, đến thời đất nước độc lập, tự chủ, nhiều luồng cư dân với những nguyên nhân, biến cố và nguồn gốc khác nhau vẫn tiếp tục tìm đến Sơn Động, tạo ra sự quần cư ngày càng có xu thế đông đúc trên vùng đất còn nhiều hoang hoá.

Trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân cư Sơn Động còn rất thưa thớt. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do điều kiện sinh sống khó khăn, mặt khác ở vùng đất này là nơi hoạt động của nhiều toán thổ phỉ từ Trung Quốc tràn sang, chúng đốt phá, chém giết làm cho nhân dân phải phiêu bạt đi nơi khác. Đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - văn hoá miền núi, nhiều gia đình từ các tỉnh miền xuôi đã lên khai hoang, lập nghiệp ở Sơn Động, làm cho dân số của huyện tăng nhanh. Năm 1960, dân số của huyện có 18.045 người, năm 1965 có 21.431 người, năm 1970 có 30.350 người, năm 1980 có 40.221 người, năm 1989 có 53.000 người, năm 1999 có 66.709 người và đến nay là trên 7,2 vạn người.

Tình hình trên đây nói lên đặc điểm dân cư Sơn Động là sự hoà quyện, hoà nhập giữa dân bản địa sống lâu đời ở địa phương với cư dân các địa phương khác chuyển đến xây dựng quê hương mới qua các thời kỳ lịch sử từ thời phong kiến, thời thực dân Pháp thống trị đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Tính đến 1/4/2009, dân số huyện Sơn Động có 68.724 người, gồm 18 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh 35.892 người (52,2%), còn lại là các dân tộc thiểu số 32.832 người (47,8%); gồm dân tộc Tày 13.433 người (19,5%), dân tộc Cao Lan và Sán Chí 8.888 người (12,9%), dân tộc Nùng 5,534 người (8%), dân tộc Dao 3.695 người (5,4%), dân tộc Hoa 984 người (1,4%), dân tộc Sán Dìu 166 người (0,26%). Còn 11 dân tộc khác có số dân từ 1 đến 39 người: Hmông, Thái, Mường, Khơ me, Giáy, Ê đê, Thổ, Khơ mú, Hà nhì, Lào, Mảng.

Mật độ dân số trung bình của huyện là 81 người/km2. Dân số phân bố không đều, thị trấn An Châu và các xã Vĩnh An, Đại Sơn có mật độ dân số cao, các xã Phuc Sơn, An Lạc dân cư thưa thớt. Các làng của người Kinh, người Tày, người Nùng thường tập trung đông hơn và phân bố dọc theo các trục đường giao thông, ven các chợ, các trung tâm xã... Các thôn bản của người Dao, Sán Chí thường thưa thớt và nằm rải rác trong các vùng sâu, vùng xa của huyện.

Các dân tộc sống đan xen, trung bình mỗi xã có từ 6-7 dân tộc sinh sống, hai xã có tới 10 dân tộc sinh sống. Thị trấn An Châu, xã Long Sơn, xã Thanh Luận trên 90% là người Kinh; xã Hữu Sản trên 90% là người Tày; xã Đại Sơn trên 50% là người Nùng...

Do những đặc điểm về vị trí, địa hình và do những biến cố lịch sử, Sơn Động trở thành một trong những nơi tụ hội của nhiều luồng dân cư đến sinh sống, lập nghiệp. Nhưng dù đến Sơn Động trong hoàn cảnh nào, họ đều sớm hoà nhập vào một cộng đồng, cùng nhau chung lưng đấu cật xây dựng làng bản, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và trong cuộc sống. Giữa các dân tộc có bản sắc riêng nhưng có nhiều phong tục, tập quán chung. Cuộc sống tinh thần của người Sơn Động vô cùng phong phú và đa dạng, biểu hiện qua các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo của mỗi dân tộc.

Kho tàng văn hoá, văn nghệ của các dân tộc Sơn Động mang đậm sắc thái dân tộc như: đàn tính và hát then của dân tộc Tày ở các xã khu vực Vân Sơn; hát, múa soong hao của dân tộc Nùng ở các xã khu vực Cẩm Đàn; kèn gọi bạn của người Dao ở Hữu Sản... Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức xã hội, những đặc trưng văn hoá của mỗi dân tộc đang được bảo tồn, giữ gìn phục vụ cho sinh hoạt tinh thần của nhân dân và phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội./.

Thứ bảy, 27/04/2024

BẢN ĐỒ BẢN ĐỒ

 

 

TRUYỀN THANH SƠN ĐỘNG TRUYỀN THANH SƠN ĐỘNG

Slider ảnh Slider ảnh

THÔNG TIN TRỢ GIÚP THÔNG TIN TRỢ GIÚP

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12,748
Tổng số trong ngày: 1,009
Tổng số trong tuần: 30,955
Tổng số trong tháng: 124,557
Tổng số trong năm: 806,435
Tổng số truy cập: 6,406,919