アセットパブリッシャー アセットパブリッシャー

Ủy quyền cho cấp huyện cấp phép khai thác khoáng sản: Giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân

|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết

(BGĐT)- Trước nhu cầu về khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng công trình ngày càng tăng, từ cuối năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản ủy quyền cho UBND cấp huyện cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường một số trường hợp, góp phần giảm bớt thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho người dân.

Hiệu quả bước đầu

Trước đây, hộ dân muốn hạ độ cao thửa đất để xây dựng nhà cửa, công trình phải làm hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xem xét, kiểm tra, thẩm định, trình UBND tỉnh cấp phép. Thời gian để được cấp giấy phép nhanh cũng mất cả tháng, chậm có khi vài tháng. Ngại đi lại làm thủ tục, không ít hộ dân đã làm “chui”, tình trạng vi phạm trong khai thác khoáng sản tại không ít địa phương của tỉnh có thời điểm diễn biến phức tạp.

Một thửa đất tại thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam), người dân tự khai thác, hạ độ cao trái phép thời điểm UBND tỉnh chưa ủy quyền cho huyện cấp phép.

Để việc quản lý tài nguyên khoáng sản chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất san lấp mặt bằng cho các dự án, nhu cầu xây dựng nhà ở, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, thuận lợi hơn cho cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu, ngày 31/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1575, ủy quyền cho UBND các huyện, TP cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường.

Theo quyết định này, UBND các huyện, TP được cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; khu vực khi thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án đóng cửa mỏ khoáng sản là đất san lấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, với khối lượng khoáng sản khai thác, vận chuyển ra khỏi dự án dưới 5.000 m3.

UBND cấp huyện còn được cấp phép khai thác khoáng sản trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, với khối lượng vận chuyển ra ngoài dưới 2.000 m3. Kết quả, sau một năm thực hiện (năm 2022), có 8/10 huyện trên địa bàn tỉnh thực hiện việc cấp phép theo ủy quyền (riêng huyện Hiệp Hòa và TP Bắc Giang không có trường hợp nào), với tổng số 94 trường hợp được cấp và chủ yếu là cấp phép cho hộ gia đình hạ thấp độ cao đất ở để xây dựng nhà cửa.

Để đánh giá chính xác hiệu quả việc ủy quyền, Sở TN&MT đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ và kiểm tra thực tế đối với 64 hộ được UBND các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Việt Yên và Yên Dũng cấp phép. Qua kiểm tra cho thấy, đa số các trường hợp cấp phép bảo đảm đúng thẩm quyền, cấp đúng khối lượng, thời gian và đối tượng. Vị trí khu vực cấp phép phù hợp với trích lục bản đồ địa chính thửa đất; không có trường hợp nào chia tách nhỏ thửa đất để cấp và cấp 2 lần trên cùng một thửa đất. Đối với các tổ chức, cá nhân khi được UBND các huyện cấp phép theo thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ theo hướng dẫn cũng như các nghĩa vụ về thuế, phí theo quy định.

Điều chỉnh quy định, nâng cao trách nhiệm quản lý

Quyết định của UBND tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của nhân dân và tạo điều kiện cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Sở TN&MT cho thấy vẫn còn tình trạng cấp phép chưa đúng nội dung ủy quyền; hộ dân khai thác vượt ranh giới. Như tại huyện Lạng Giang, năm 2022, cấp phép 33 trường hợp thì có 13 trường hợp khai thác ngoài phạm vi ranh giới được chấp thuận, 11 trường hợp cấp phép khai thác vượt phạm vi được ủy quyền.

Ông Lương Văn Bường, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Lạng Giang thông tin: “Việc giới hạn diện tích cấp phép trong phạm vi đất ở, qua quá trình thực hiện thấy chưa phù hợp do phần lớn các thửa đất nằm cùng với đất vườn không có ranh giới rõ ràng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác cấp phép, quản lý, giám sát việc thực hiện vì thế gặp khó khăn”.

Từ bất cập đó, huyện Lạng Giang và một số huyện đã đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh phạm vi cấp phép theo hướng ngoài đất ở cấp thêm cả đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình nằm trong cùng một thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và được phép vận chuyển ra ngoài dự án với khối lượng khoáng sản dưới 3.000 m3 (tăng 1.000 m3 so với năm 2022).

Đầu năm 2023, Sở TN&MT đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh tiếp tục ủy quyền cho cấp huyện cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường theo hướng mở rộng phạm vi cấp sang cả đất vườn nằm trong cùng thửa đất và tăng khối lượng khoáng sản chuyển đi từ 2.000 m3 lên 3.000 m3.

Ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT thông tin: "Đề nghị của Sở đã được UBND tỉnh chấp thuận. Việc ủy quyền được thực hiện từ ngày 15/2/2023 đến hết ngày 31/12/2023, qua đó giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các trường hợp cấp phép khai thác khoáng sản nhỏ lẻ lên trên tỉnh, tăng cường tính chủ động, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên khoáng sản ở địa phương và tạo thuận lợi hơn cho người dân”.

Kết quả, qua gần 5 tháng thực hiện, huyện Yên Dũng đã cấp được 27 giấy phép cho cá nhân, hộ gia đình khai thác khoáng sản, hạ thấp độ cao để xây dựng công trình phục vụ đời sống và phát triển kinh tế; huyện Lục Nam cấp khoảng 20 giấy, Lạng Giang cấp 7 giấy...

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Yên Dũng, đơn vị được đánh giá làm tốt công tác này cho hay: “Thực hiện nội dung ủy quyền, đơn vị chú trọng làm chặt, giám sát nghiêm từ khâu thẩm định, cấp phép đến khâu san gạt, vận chuyển khoáng sản ra ngoài thửa đất. Đối với mỗi dự án, lãnh đạo UBND huyện đều trực tiếp xuống kiểm tra thực địa 3 lần (trước, trong và sau quá trình khai thác), bảo đảm các trường hợp được cấp đúng đối tượng, phạm vi, khối lượng, thời gian ủy quyền, khách quan, công bằng”.

Bài, ảnh: Thùy Ninh

Thứ bảy, 18/05/2024

 

Slider ảnh Slider ảnh

アクセス中: 11,379
1日当たりのページのアクセス回数: 1,923
1週間当たりののページのアクセス回数: 30,865
1か月当たりのページのアクセス回数: 137,404
1年間当たりのページのアクセス回数: 986,733
ページのアクセス回数 : 6,587,217