アセットパブリッシャー アセットパブリッシャー

Sơn Động thiết lập hồ sơ hiện trạng rừng giáp ranh: Rõ mốc giới để bảo vệ rừng

|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết

(BGĐT) - Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các vụ phát vén, lấn chiếm rừng tự nhiên, từ đầu tháng 7, các địa phương, chủ rừng trên địa bàn huyện Sơn Động đồng loạt ra quân thiết lập hồ sơ hiện trạng lô rừng sản xuất tiếp giáp với rừng tự nhiên. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Bắc Giang triển khai việc kiểm đếm, thiết lập hồ sơ hiện trạng rừng giáp ranh.

Đồng loạt ra quân

Theo thống kê, toàn huyện Sơn Động có hơn 66,8 nghìn ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 34,8 nghìn ha, rừng trồng gần 27 nghìn ha, còn lại rừng mới trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng. Do lợi nhuận từ trồng rừng kinh tế cao, những năm gần đây, nhiều người tự ý phát vén, lấn chiếm rừng tự nhiên, phòng hộ để trồng rừng sản xuất dẫn đến diện tích rừng tự nhiên, phòng hộ ngày càng suy giảm.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2020 - 2022, toàn huyện xảy ra 34 vụ vi phạm lâm luật. Điển hình, tháng 4/2022, lợi dụng vị trí giáp ranh giữa thôn Náng, xã Thanh Luận và tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tây Yên Tử (cùng huyện), bà Nguyễn Thị Huế (SN 1981) và ông Nguyễn Văn Huệ (SN 1984) cùng trú tại thôn Náng đã tự ý phá rừng tự nhiên với tổng diện tích hơn 1,7 nghìn m2 để trồng rừng kinh tế. Hay cuối tháng 5 vừa qua, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với UBND xã Phúc Sơn tiến hành kiểm đếm, đánh giá hiện trạng rừng tại thôn Đồng Mương, phát hiện tại khoảnh 33 có 8.256 m2 rừng tự nhiên bị phá, đốt, trong đó diện tích đốt là 3.873 m2.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với tổ công tác của UBND xã Vân Sơn kiểm đếm, thiết lập hồ sơ hiện trạng lô rừng sản xuất tiếp giáp với rừng tự nhiên tại thôn Nà Vàng.

Xuất phát từ thực tế này, Huyện uỷ chỉ đạo UBND huyện, các địa phương, chủ rừng tập trung xây dựng kế hoạch, tổ chức ra quân thiết lập hồ sơ các lô rừng sản xuất tiếp giáp với rừng tự nhiên, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023. Để việc thiết lập được thực hiện bảo đảm khách quan, đúng tiến độ, Huyện uỷ thành lập 8 tổ công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát, kiểm tra.

Với vai trò của mình, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các địa phương, chủ rừng xây dựng kế hoạch, rà soát số lô rừng trồng giáp ranh với rừng tự nhiên thiết lập hồ sơ. Theo đó, toàn huyện có 1.589 hộ gia đình, cá nhân tại 16 xã, thị trấn (trừ xã Đại Sơn) với 1.718 lô rừng trồng giáp ranh với rừng tự nhiên. Căn cứ vào kết quả rà soát, từ ngày 5/7, các địa phương, chủ rừng đồng loạt ra quân thực hiện kiểm đếm, thiết lập hồ sơ hiện trạng rừng giáp ranh.

Ghi nhận tại xã Hữu Sản cho thấy, để kiểm đếm, thiết lập hồ sơ đối với 50 lô rừng giáp ranh theo kế hoạch, tổ công tác của xã chia thành 6 nhóm kiểm đếm tại các khu vực liền kề nhau, làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Nhờ đó chỉ sau 5 ngày ra quân, xã đã hoàn thành việc kiểm đếm. Hay như tại xã Vân Sơn, do số lô phải thiết lập nhiều (115 lô), nhiều lô giáp ranh ở đỉnh núi nên địa phương tổ chức kiểm đếm theo phương châm “từ xa về gần”, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, thông báo về thời gian kiểm đếm để các hộ chủ động bố trí người cùng đi. Đặc biệt, tổ công tác lập nhóm zalo báo cáo tiến độ ngay khi hoàn thành thiết lập hồ sơ đối với từng lô cũng như những khó khăn, vướng mắc.

Cắm mốc giữ rừng

Theo thống kê của UBND huyện, đến ngày 30/7, toàn huyện đã kiểm đếm, thiết lập được 920 lô rừng trồng giáp ranh rừng tự nhiên của 790 hộ gia đình, cá nhân, đạt 53,55% kế hoạch. Trong đó, các xã: Hữu Sản, Giáo Liêm, Long Sơn và Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động, Ban Quản lý Bảo tồn Tây Yên Tử đã hoàn thành việc thiết lập hồ sơ. Tại những lô đã thực hiện kiểm đếm, tổ công tác tiến hành đánh mốc sơn, chụp ảnh hiện trạng và cho các hộ ký cam kết. Những trường hợp lấn chiếm vào đất rừng tự nhiên, tổ công tác lập biên bản để thực hiện thu hồi theo quy định.

Đến nay, các địa phương, chủ rừng đã thu hồi được 135,36 ha đất rừng tự nhiên bị người dân lấn chiếm. Vừa ký cam kết bảo vệ, không lấn chiếm, phát vén rừng tự nhiên, ông Vi Văn Cát (SN 1961), dân tộc Tày ở thôn Nà Vàng, xã Vân Sơn cho biết: “Gia đình tôi có 5 ha rừng, trong đó gần 0,5 ha rừng trồng, còn lại là rừng tự nhiên được giao khoán bảo vệ. Sau khi thiết lập hồ sơ, tôi biết rõ ranh giới diện tích rừng tự nhiên được giao khoán, từ đó nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ, không để người khác lấn chiếm”.

Theo ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, việc ra quân thiết lập hồ sơ hiện trạng lô rừng sản xuất tiếp giáp với rừng tự nhiên xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nên được các địa phương trong huyện, người dân đồng thuận cao. Để việc thiết lập hồ sơ bảo đảm đúng tiến độ, thời gian tới, tổ công tác của Huyện uỷ tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã thực hiện, báo cáo kết quả hằng ngày, tuần, quý. Với phương châm xác định đến đâu tiến hành lập biên bản, thiết lập hồ sơ, cắm mốc đến đó, Hạt Kiểm lâm huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động và Ban Quản lý Bảo tồn Tây Yên Tử chủ động các thiết bị sử dụng máy GPS, bản đồ và các thiết bị phụ trợ khác, xác định toạ độ, diện tích chiều dài, độ cao lô rừng để xác định mốc ranh giới. Với các vi phạm lấn chiếm, huyện giao cơ quan chức năng xác định quy mô, mức độ để tiến hành các bước thu hồi, xử lý vi phạm. “Ngay sau khi hoàn thành việc thiết lập hồ sơ, UBND huyện sẽ bố trí kinh phí, giao Hạt Kiểm lâm huyện làm chủ đầu tư thực hiện việc cắm mốc ranh giới vị trí giáp ranh giữa rừng trồng với rừng tự nhiên. Có mốc, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng rõ ràng hơn. Địa phương nào để người dân phát vén, lấn chiếm trồng rừng kinh tế vào trong mốc giới, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện”, ông Hoàng Văn Trọng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Thứ bảy, 18/05/2024

 

Slider ảnh Slider ảnh

アクセス中: 17,687
1日当たりのページのアクセス回数: 2,735
1週間当たりののページのアクセス回数: 31,677
1か月当たりのページのアクセス回数: 138,216
1年間当たりのページのアクセス回数: 987,545
ページのアクセス回数 : 6,588,029