Asset Publisher Asset Publisher

Sơn Động lên phương án ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

(SĐĐT) - Sơn Động là huyện miền núi, có nhiều sông suối, ngầm tràn cộng với địa hình đồi núi phức tạp nên thường xuyên chịu tác động do mưa bão gây ra. Để chủ động ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện đã triển khai nhiều giải pháp, phương án với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hoa màu của nhân dân.

Ban Chỉ huy PCTT và TTCN thị trấn An Châu rà soát các hộ sinh sống dọc nhánh sông Lục Nam.

Với địa hình bám dọc nhánh sông Lục Nam, thị trấn An Châu luôn có nguy cơ cao về ngập úng, lũ quét và sạt lở đất. Đơn cử  tháng 7 năm 2020 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn nước lũ dâng nhanh, chảy siết, khiến hơn 30 hộ dân tổ dân phố số 1 và tổ dân phố Đình phải chạy lũ trong đêm, nhiều hộ bị gập gần 1 m. Trước tình hình khẩn cấp để bảo vệ người và tài sản cho nhân dân, UBND thị trấn An Châu huy động toàn lực lượng cùng sự phối hợp của cán bộ chiến sĩ công an, quân đội giúp dân di dời tài sản, vật nuôi lên cao, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Do vậy, năm 2021, thị trấn An Châu được xác định là một trong những vùng trọng điểm, xẩy ra lũ quét, ngập úng cần tập trung các biện pháp phòng chống.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu cho biết, ngay từ đầu năm, thị trấn đã xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết ứng phó với mưa lũ, thị trấn đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão, thành lập đội phản ứng nhanh gồm 100 người cùng thiết bị, phương tiện tham gia vào công tác PCTT-TKCN.

Cùng với đó, lập tổ công tác rà soát các hộ sinh sống gần sông, đánh giá tình hình có phương án trước không để bị động bất ngờ, đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp nhận biết, phòng, tránh ứng phó thiên tai để người dân chủ động khi có tình huống xấu xảy ra.

Ông Ngô Văn Hoạch, Tổ dân phố Đình cho biết, sống gần sông về mùa mưa lũ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, gia đình cũng vừa gia cố lại nhà cửa, nếu có lũ chủ động di dời mấy tạ thóc, đồ đạc lên tầng cao”.

Tương tự, xã An Lạc có đặc điểm địa hình phức tạp, có nhiều nhánh sông, suối, khi mưa lớn hay bão xảy ra, 9/10 thôn bị cô lập nhiều ngày, khó tiếp cận. Do vậy, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã đã xây dựng phương án 4 tại chỗ, phân công các thành viên Ban Chỉ huy phụ trách thôn trực tiếp chỉ đạo ứng phó. Mỗi thôn xây dựng kịch bản, phương án riêng, bố trí nhân lực tại chỗ từ 25-30 người, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cứu hộ cứu nạn khi có tình thế cấp bách xảy ra.

Theo ông Mã Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Lạc, khi xảy ra lũ, giao thông bị tê liệt xã không xuống được thôn, thôn cũng không lên được xã. Vì vậy, ngoài lực lượng tại chỗ, hằng năm xã đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung vào kế hoạch cụ thể chi tiết, giao nhiệm vụ đến từng nghành đoàn thể, trưởng thôn, bí thư chi bộ. Do vậy, những năm qua trên địa bàn không có thiệt về người hay tài sản của nhân dân. Để chủ động ứng phó mùa mưa bão năm nay, xã đã cho rà soát các ngầm tràn lên phương án sửa chữa những ngầm có nguy cơ mất an toàn.

Ban Chỉ huy PCTT và TTCN xã An Lạc rà soát sửa chữa ngầm tràn trước mùa mưa bão.

Theo dự báo năm 2021, huyện Sơn Động sẽ chịu ảnh hưởng từ 1-2 cơn bão, 9-11 đợt mưa lớn. Nhận định trước tình huống Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện xác định khi có bão đổ bộ vào địa bàn huyện, sẽ có 17/17 xã, thị trấn có thể bị ảnh hưởng do bão, lũ, xác định 4 khu vực dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, 5 khu vực bị ảnh hưởng do gió lốc xoáy và 5 đoạn đường thuộc Quốc lộ 31, 279, đường tỉnh 293, 291, 29B dễ sạt lở đất, đá.

Để chủ động trước mùa mưa bão năm nay, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và hoa màu, góp phần ổn định xã hội và hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết từng tình huống, từng khu vực, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai an toàn, hiệu quả.

Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cho biết: Huyện đã tăng cường chỉ đạo các thành viên thường xuyên bám sát địa bàn các xã để đôn đốc cơ sở chủ động triển khai và thực hiện tốt công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tăng cường thông tin cảnh báo kịp thời đến khu dân cư để người dân chủ động có biện pháp phòng tránh, nhất là đối với các xã được xác định nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét, ngập úng.

Trong trường hợp xảy ra lũ quét, nước ngập sâu, huyện sẵn sàng huy động lực lượng của Ban CHQS huyện, Trung đoàn 18/F325; các đại đội dự bị động viên, trung đội dân quân cơ động huyện và các xã, thị trấn cùng hàng trăm người dân các địa phương; đồng thời phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để huy động lực lượng ứng cứu. Chuẩn bị phương tiện thực hiện nhiệm vụ gồm, 1 xuồng cao tốc, 34 xe tải, máy xúc, máy ủi, 50 thuyền tôn, bè mảng, 700 áo phao, phao cứu sinh và nhiều dụng cụ, thiết bị khác…

Mặt khác, chủ động bố trí các điểm tập kết dân cư, sơ tán người dân đến nơi an toàn, có đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc chữa bệnh. Sau lũ các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả, sữa chữa nhà cửa (nếu có), xử lý môi trường…

Bài, ảnh Xuân Thoả

Thứ hai, 20/05/2024

 

Slider ảnh Slider ảnh

User Online: 21,420
Total visited in day: 3,126
Total visited in Week: 7,940
Total visited in month: 148,415
Total visited in year: 997,744
Total visited: 6,598,228