Asset Publisher Asset Publisher

Sơn Động khai thác lợi thế, đánh thức tiềm năng du lịch

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

(SĐĐT)- Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Sơn Động đã quan tâm phát triển du lịch gắn với xây dựng quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương. Đây  cũng là giải pháp tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Nhắc tới du lịch Sơn Động, du khách đều bị hấp dẫn bởi nhiều cảnh quan nguyên sơ, thiên nhiên phong phú, tươi đẹp, khí khậu trong lành, mát mẻ của vùng núi cao.

Điều kiện tự nhiên đã ban tặng cho huyện Sơn Động nhiều địa danh du lịch với cảnh sắc tự nhiên nổi tiếng, tạo ra lợi thế so sánh và sản phẩm du lịch sinh thái riêng có của Sơn Động.

Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử.

Đến Sơn Động, du khách sẽ có những trải nghiệm cùng các cung bậc cảm xúc khác nhau. Điểm đến đầu tiên là khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử. Sạch sẽ, văn minh, thân thiện, thuận tiện là cảm nhận của hầu hết du khách khi hành hương về Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử. Cùng với chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên, du khách có thể leo núi hoặc đi cáp treo đến chùa Đồng, nơi phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu tâm, tu thân, tham thiền học đạo, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Cách đó không xa, thác Ba Tia, điểm du lịch sinh thái bên non thiêng Tây Yên Tử với những thác nước hùng vĩ ở độ cao 20 m ngày đêm tung bọt trắng xoá. Bao bọc quanh thác nước là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại cây lấy gỗ quí hiếm, đồng thời còn là kho thuốc quý của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiệt độ quanh năm ôn hoà, dịu mát, không khí trong lành. Giữa phong cảnh nguyên sơ, không khí trong lành lại được chinh phục những ghềnh đá, thác nước cao vút nối tiếp nhau như những bậc thang khiến du khách thích thú khi đến thác Ba Tia.

Đồng chí Ngụy Văn Tuyên, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Sơn Động cùng đoàn khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Nà Ó, xã An Lạc

Rời Tây Yên Tử, du khách di chuyển đến Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ, xã An Lạc. Đây là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu nhất không chỉ của Bắc Giang mà còn của cả vùng Đông Bắc nước ta. Khu bảo tồn nằm gọn trong lưu vực hai con suối Khe Rỗ và Khe Đin. Nơi đây có mạnh nước ngầm thường xuyên tuon chảy tạo ra những dòng suối trong vắt.

Cách đó không xa là bản Đồng Cao, xã Phúc Sơn với độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển. Tại Đồng Cao có đồng cỏ xanh mênh mông trải dài như thảo nguyên, nhiều tảng đá rải rác mang hình thù độc đáo. Đến Đông Cao sẽ thấy bầu trời cao, đồng cỏ rộng , phóng tầm mắt nhìn bốn phương mà không bị che lấp. Đây là nơi thuận lợi cho trò chơi thể thao như dù lượn, đua xe địa hình, leo núi, thả diều, săn mây và chụp ảnh nghệ thuật.

Xây dựng sản phẩm chủ lực địa phương

Theo ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế địa phương, từ những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đã có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch , trong đó ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; bảo tồn, pháp huy bản sắc văn hoá các dân tộc, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương.

Để cụ thể hoá việc hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trong giai đoạn 2021-2025, ngày 17/5/2021, Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành Nghị quyết số 36 về phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm và du lịch cộng đồng. Đây là “cú hích” để địa phương khai thác lợi thế, tiềm năng phát triển.

Thực hiện Nghị quyết này, đến nay UBND huyện đã chỉ đạo thành lập, xây dựng khu du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng Khe Rỗ, Đồng Cao, Bản Mậu gắn với văn hoá bản địa; các xã, thị trấn thành lập Hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng tại bản Nà Hin (thôn Gà, xã Vân Sơn), thôn Đồng Cao (xã Phúc Sơn) gắn với sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái Đồng Cao; HTX du lịch cộng đồng thôn Nà Ó (xã An Lạc) gắn với sản phẩm du lịch rừng sinh thái Khe Rỗ; HTX du lịch cộng đồng tổ dân phố Mậu (thị trấn Tây Yên Tử) gắn với sản phẩm du lịch Khu du lịch văn hoá tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử, thác Ba Tia, Núi Mục, cây dược liệu và công viên rừng sinh thái.

Du khách trải nghiệm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ.

Với số lượng khách ngày càng tăng, cùng với xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tại các điểm tham quan du lịch, người dân địa phương đã kết hợp bày bán các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của địa phương để tăng thu nhập và góp phần quảng bá sản phẩm. Tại một số địa điểm thường xuyên hút khách du lịch ghé thăm như Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử, thôn Nà Ó, các đơn vị khai thác, vận hành phối hợp với chính quyền cơ sở mở điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương (mật ong rừng, măng mai khô, tinh dầu xả, lấm lim xanh…).

Để đa dạng sản phẩm, huyện đặc biệt quan tâm phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực thông qua hỗ trợ các HTX trên địa bàn chuẩn hoá, thiết kế nhãn mắc, mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với thực hiện chương trình OCOP.

Chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn, doanh nghiệp, HTX đưa các sản phẩm OCOP trưng bầy, giới thiệu tại cửa hàng bán sản phẩm OCOP của tỉnh “Những hoạt động trên đã góp phần đưa hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đi vào nề nếp, từng bước đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch, kết hợp khai thác thế mạnh về nông sản. Nhiều người thích thú với các sản phẩm đặc sản này bởi được sản xuất tại địa phương, có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm chất lượng”, Ông Hoàng Văn Trọng cho biết.

Sỹ Quyết- Xuân Thoả

Chủ nhật, 19/05/2024

 

Slider ảnh Slider ảnh

User Online: 7,826
Total visited in day: 3,213
Total visited in Week: 3,212
Total visited in month: 143,687
Total visited in year: 993,016
Total visited: 6,593,500