Asset Publisher Asset Publisher

Nguy cơ thiếu nước sạch ở vùng cao

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

(SĐĐT) Với đặc điểm địa hình nhiều khe suối, tưởng chừng nước sinh hoạt bảo đảm điều kiện vệ sinh không phải là khó khăn với vùng cao Sơn Động (Bắc Giang) song thực tế cho thấy, ở nhiều nơi người dân đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch.

 Mặc dù đang trong mùa mưa nhưng lượng nước tích ở hồ Khe Đặng, xã Vĩnh An vẫn ở mức thấp

Dẫn chúng tôi xuống chân đồi nơi có giếng nước của gia đình, bà Bàn Thị Keo, dân tộc Dao, thôn An Bá, xã An Bá nói: “Để có nước sinh hoạt, gia đình tôi phải tự đào giếng, sâu khoảng 9 - 10 m, sau đó đặt máy bơm hút nước lên. Đấy là còn may, những nhà khác ở khu vực cao hơn vào mùa khô, nước khan hiếm đều phải lấy từ chiếc giếng này. Có thời điểm, 5 - 6 gia đình dùng chung một giếng, mặc dù nước có váng màu vàng nhưng vẫn phải sử dụng”.

Những người hàng xóm của bà Keo tiếp lời, nhiều năm trước có công trình dẫn nước từ rừng về từng gia đình nhưng hiện đường ống đã hư hỏng, không có nước để sử dụng. Người dân thôn An Bá mong ngóng từng ngày được cung cấp đủ nước hợp vệ sinh để bảo đảm sinh hoạt và sức khỏe.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Động lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khu vực đô thị 99%, khu vực nông thôn 92%.

Cùng chung khó khăn như trên, ông La Văn Nam, Trưởng thôn Lái, xã An Bá cho biết, hơn một nghìn nhân khẩu của thôn có đến 99% là đồng bào dân tộc Cao Lan. 

Từ năm 2007, thôn được đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung tự chảy lấy nguồn từ Khe Kim.Nhưng do thời gian sử dụng lâu nên đường ống bị bục vỡ, nước hao hụt nhiều khiến nhiều nhóm gia đình phải mua hàng trăm mét ống về tự kéo để có nước dùng, một số ít dùng giếng đào, giếng khoan.

Ngay tại thị trấn An Châu, tháng 8 vừa qua, hàng nghìn hộ dân bỗng thấy nước sinh hoạt bị vẩn đục, nổi váng, có mùi hôi khó chịu. Sau khoảng một tuần, tình trạng này mới được khắc phục. Đưa chúng tôi đến Trạm cấp nước thị trấn An Châu nằm trên đỉnh một quả đồi, anh Phùn Văn Công, Trạm trưởng nói: Toàn bộ nước sinh hoạt cho khu vực thị trấn An Châu hiện lấy từ nguồn duy nhất là hồ Khe Đặng thuộc địa bàn xã Vĩnh An, cách khoảng 5 km. 

Trong khi đó, hồ này được thiết kế, xây dựng để phục vụ cho tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, không phải mục đích tạo nguồn nước sinh hoạt. Mọi năm, vào mùa mưa lũ như thời điểm hiện tại, nước trong hồ được tích trữ, có thể vượt tràn. Năm nay, đã tháng 9 rồi mà chỉ hơn mực nước chết chút ít, khả năng sẽ không có đủ nước để phục vụ người dân hết mùa khô. Trạm đang phải dùng nước từ đáy hồ nên việc lọc, xử lý tốn kém, mất nhiều thời gian hơn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do những khu vực xung quanh hồ Khe Đặng và phía đầu nguồn, người dân địa phương đã chuyển sang trồng rừng kinh tế bằng keo, bạch đàn nên mất nguồn sinh thủy. Đến chu kỳ khai thác, diện tích rừng bị chặt để trồng lứa khác nên càng ảnh hưởng đến việc giữ, điều hòa nước.

Được biết, trên địa bàn huyện Sơn Động có hai công trình cấp nước sinh hoạt với quy mô khá lớn, đó là Trạm cấp nước sinh hoạt thị trấn An Châu và Trạm cấp nước của xã Vĩnh An. Mỗi trạm cấp nước cho khoảng hai nghìn khách hàng, tuy nhiên cả hai công trình đều nằm ở sát cạnh nhau, cùng lấy nguồn từ hồ Khe Đặng, chỉ chênh lệch cao độ vài mét nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động. 

Còn lại các xã, thị trấn khác có công trình nước sinh hoạt tập trung tự chảy, lấy nguồn từ các khe, suối tự nhiên. Sau một thời gian dài sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí nhiều công trình không thể hoạt động, người dân các địa phương chỉ còn cách tự tìm nguồn nước.

Trao đổi với đại diện Công ty TNHH MTV Xây dựng và cấp nước Hà Bắc (TP Bắc Giang) là đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn An Châu và công trình nước tự chảy xã Yên Định, được biết, để khắc phục những bất cập về nguồn, chất lượng nước, đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật, hạn chế tối đa những sự cố. Về lâu dài, Công ty đã có văn bản kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Sơn Động có biện pháp để Công ty được sử dụng riêng nguồn nước theo thiết kế ban đầu, tách khỏi các đơn vị khác, bảo đảm lưu lượng và chất lượng nước, kể cả có phương án lấy nước mặt sông An Châu để xử lý.

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của huyện Sơn Động đạt hơn 2.817 tỷ đồng, trong đó dành một phần để xây dựng, tu bổ các công trình nước sinh hoạt tập trung. Tuy vậy, với đặc thù bị chia cắt nhiều do địa hình tự nhiên, diện tích rộng nên mức đầu tư đó chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Để giải cơn khát nước sạch cho vùng cao cần có sự phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn đầu tư xây dựng hồ đập, các công trình nước sinh hoạt hợp lý hơn. 

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, quản lý, vận hành các trạm, công trình cấp nước cho người dân. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là diện tích rừng tự nhiên để bảo đảm nguồn sinh thủy ổn định, không bị ô nhiễm.

BBT

Thứ hai, 20/05/2024

 

Slider ảnh Slider ảnh

User Online: 23,220
Total visited in day: 2,990
Total visited in Week: 7,804
Total visited in month: 148,279
Total visited in year: 997,608
Total visited: 6,598,092