Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Lớp dạy tiếng dân tộc của già làng Đàm Xuân Tình

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

(SĐĐT) - Nỗ lực giữ gìn ngôn ngữ của dân tộc, già làng Đàm Xuân Tình (78 tuổi) ở thôn Đồng Bây, xã An Lạc (Sơn Động) miệt mài sưu tầm, truyền dạy tiếng dân tộc Sán Chí và Cao Lan cho các em nhỏ ở địa phương.

 Ngày cuối tuần, lớp dạy tiếng dân tộc của già làng Đàm Xuân Tình ở điểm lẻ Trường Mầm non An Lạc lại vang lên tiếng ê a học chữ. Lớp có 30 học sinh dân tộc Sán Chí và Cao Lan, em nhỏ nhất học lớp 1 và lớn nhất học lớp 8. Điều đặc biệt ở lớp học này là học sinh tự nguyện còn thầy giáo dạy miễn phí, không nhận bất kỳ khoản đóng góp nào.

 Già làng Đàm Xuân Tình dạy tiếng dân tộc cho trẻ em thôn Đồng Bây.

 Thôn Đồng Bây có hơn 200 hộ với hơn 600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cao lan, Sán Chí. Là người uy tín trong cộng đồng, tâm huyết với công tác bảo tồn giá trị văn hóa, ông Tình luôn trăn trở khi hầu hết những đứa trẻ sinh ra sau năm 2005 không biết ngôn ngữ của dân tộc mình.

 Đến tháng 11 năm 2022, ông bày tỏ nguyện vọng với lãnh đạo xã An Lạc về việc cho phép Chi hội Người cao tuổi thôn mở lớp dạy tiếng dân tộc cho con em trong vùng; ông chịu trách nhiệm đứng lớp. Được cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ, lớp học dạy tiếng dân tộc Cao Lan và Sán Chí được mở ngay ở điểm lẻ của Trường Mầm non An Lạc, đặt tại thôn Đồng Bây.

 Ngày đầu, lớp chỉ có 5 em, đến nay đã có hơn 30 học sinh theo học. Trong số này có con em đồng bào dân tộc Sán Chí, Cao Lan, Kinh và Tày. Lớp được duy trì vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. Để việc truyền dạy có hiệu quả, già làng Đàm Xuân Tình cất công tìm hiểu, sưu tầm và viết tay chuyển thể, phiên âm từ tiếng Sán Chí, Cao Lan sang tiếng Việt. Sau này, nhờ thầy giáo Vũ Hùng Cường, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Vân Sơn giúp đánh máy, ông Tình có bộ tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc dày dặn, khoa học.

“Cái khó nhất là các cháu tiếp thu không đồng đều, cháu lớn thì tiếp thu nhanh, còn bé thì phải uốn nắn từng chút một. Tôi nghĩ đã dạy học tiếng không phải 1 tháng, 1 năm mà tôi đang tính phải dạy 3 năm thì các cháu sẽ thành thạo”, ông Tình chia sẻ.

Nhờ sự tâm huyết của ông, sau một năm theo học, nhiều học trò đã biết giao tiếp bằng tiếng Cao Lan, Sán Chí. Em Nịnh Minh Nhật, dân tộc Sán Chí, lớp 8, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS An Lạc chia sẻ: “Sau 1 năm theo học lớp của ông Tình, giờ em rất vui đã biết nói, biết viết và hát bằng tiếng của dân tộc mình”.

Bà Hoàng Thị Hợp người cùng đồng hành dạy tiếng tiếng dân tộc Sán Chí và Cao Lan cho các cháu học sinh.

Là người cùng đồng hành với ông Tình, Bà Hoàng Thị Hợp, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Đồng Bây cho biết, ông Tình là người đảng viên, người uy tín mẫu mực ở thôn, xã, ông nói mở được thì hai ông con phải cố gắng, bao giờ không làm được nữa thì mới thôi, chứ còn đi được, còn nói được thì ông con mình cứ phải tiếp tục. Mình nghĩ vì tương lai con cháu, muốn làm sao để các cháu sẽ học được.

Già làng Đàm Xuân Tình là người dân tộc Sán Chí. Ông từng có thời kỳ làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Lạc, am hiểu phong tục tập quán đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Sán Chí và Cao Lan. Nay dù tuổi cao nhưng ông vẫn mạnh khỏe, tinh tường, nguyện góp sức gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc tới các thế hệ trẻ. Ông là một trong những cá nhân tiêu biểu của huyện Sơn Động được giới thiệu tuyên dương tại hội nghị điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số cấp tỉnh tới đây.

 Bài, ảnh: Xuân Thoả

Chủ nhật, 28/04/2024

BẢN ĐỒ BẢN ĐỒ

 

 

TRUYỀN THANH SƠN ĐỘNG TRUYỀN THANH SƠN ĐỘNG

Slider ảnh Slider ảnh

THÔNG TIN TRỢ GIÚP THÔNG TIN TRỢ GIÚP

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 13,413
Tổng số trong ngày: 6,175
Tổng số trong tuần: 6,174
Tổng số trong tháng: 136,194
Tổng số trong năm: 818,072
Tổng số truy cập: 6,418,556