Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Huyện Sơn Động và Mai Châu (tỉnh Hoà Bình) trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

(SĐĐT) - Từ ngày 29/3 đến ngày 1/4/ 2024, Đoàn công tác huyện Sơn Động (Bắc Giang) do đồng chí Đỗ Văn Cầm, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện làm trưởng đoàn đã có buổi thăm, làm việc với huyện Mai Châu (tỉnh Hoà Bình) về phát triển du lịch, xây dựng hội chợ văn hoá vùng cao và đi khảo sát, thực tế phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La).

Cùng đi có các đồng chí: Chu Thị Toan, Phó Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Văn Hồng, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban tổ chức Huyện uỷ; Chiêu Minh Tân, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ; Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch huyện, các HTX du lịch.

Khu nghỉ dưỡng Ecolodge huyện Mai Châu (Hoà Bình).

Đoàn công tác của huyện Sơn Động đến thăm mô hình homestay của gia đình chi Hà Thị Thơ, xóm Hịch 2, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu. Chị Thơ cho biết: Mô hình homestay với 3 phòng và 1 phòng lớn, sức chứa 20 - 30 khách. Có những thời điểm homestay kín phòng, cả khách trong nước và nước ngoài, đem lại thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng.

Hộ gia đình làm du lịch homestay xã Mai Hịch, huyện Mai Châu (Hoà Bình).

Theo anh Khà Văn Thanh, cán bộ Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Mai Châu chia sẻ, xã Mai Hịch có 7 xóm, dân tộc Thái chiếm đa số. Hiện nay, toàn xã có 11 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng homestay. Ngoài dịch vụ lưu trú, du khách đến đây còn khám phá leo núi, thám hiểm hang đá, đạp xe quanh các con đèo, lội suối bắt cá… đem đến nhiều trải nghiệm thú vị. Không chỉ vậy, những món ăn dân dã đậm đà hương vị bên nếp nhà sàn, thưởng thức rượu quê, điệu múa xòe của các cô gái Thái.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Sơn Động tặng bức tranh về danh thắng Tây Yên Tử cho huyện Mai Châu.

Làm việc với huyện Mai Châu, đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Mai Châu là huyện vùng cao của tỉnh Hoà Bình, có 15 xã, 1 thị trấn, 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái, Mường. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng, tạo ra nền văn hóa đặc sắc, phong phú, đa dạng. Trong những năm qua, huyện Mai Châu đã bám sát các chủ trương, Nghị quyết, Đề án của tỉnh Hòa Bình để phát triển du lịch.

Đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu thông tin nhanh về phát triển KT-XH và Du lịch của huyện.

Nhờ đó đến nay, toàn huyện có 5 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, duy trì bảo tồn lễ hội "Xên Mường” của dân tộc Thái, lễ hội "Gầu Tào” của dân tộc Mông... Mai Châu có 197 cơ sở lưu trú, trong đó có 4 khu nghỉ dưỡng, 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1-3 sao, 31 cơ sở nhà nghỉ và 153 nhà nghỉ cộng đồng. Hiện huyện có 8 điểm du lịch cộng đồng, gồm bản Lác (xã Chiềng Châu), bản Văn, bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu), bản Hịch (xã Mai Hịch)...Cùng với các khu nghỉ dưỡng cao cấp như: Avana Resort, Mai Châu Ecolodge, Ba Khan Village Resort, Mai Chau Hideaway Resort...

Các đại biểu huyện Sơn Động dự buổi làm việc với huyện Mai Châu (Hoà Bình).

Năm 2023, huyện Mai Châu đón 656 nghìn lượt khách, trong đó 85 nghìn lượt khách quốc tế, còn lại khách nội địa. Doanh thu từ du lịch trên 673 tỷ đồng…Cùng với đó, Mai Châu bảo tồn nhà sàn truyền thống, các làn điệu hát, múa, dân ca, ẩm thực của đồng bào, xây dựng các sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao.

Huyện Mai Châu có 10 chợ phiên là điểm hẹn giao thương, kết nối, trao đổi hàng hóa nông sản cũng như giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc. Năm 2018, UBND huyện Mai Châu thực hiện mô hình “Phiên chợ vùng cao Mai Châu” tái hiện một số hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái, Mông như: biểu diễn văn nghệ, múa hát, hòa tấu nhạc cụ dân tộc...

Bên cạnh những thuận lợi, huyện cũng còn gặp khó khăn về hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ, đường đến các điểm du lịch còn nhỏ, phần lớn du khách sử dụng dịch vụ xe điện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, Hoàng Đức Minh cho biết: Thời gian tới, huyện tăng cường quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về Mai Châu - Điểm đến hấp dẫn - thân thiện - an toàn đến du khách; đồng thời, phối hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện du lịch tổ chức các hoạt động thể thao, du lịch trải nghiệm, kết nối giao lưu các nền văn hóa địa phương và quốc tế.

Đồng chí Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động thông tin nhanh về phát triển du lịch của huyện.

Tại đây, đồng chí Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà huyện Mai Châu đạt được, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Đồng chí cho biết, kinh tế - xã hội của Sơn Động những năm gần đây có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó ngành du lịch được xác định là một trong ba trụ cột chính của nền kinh tế. Tháng 1/2024, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt vùng huyện Sơn Động đến năm 2040, tỷ lệ 1/25.000. Huyện phân thành 5 vùng, 7 không gian phát triển. Trong đó, thế mạnh của huyện về phát triển lâm nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, du lịch, tâm linh sinh thái, du lịch cộng đồng.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Sơn Động chụp ảnh lưu niệm cùng câu lạc bộ văn nghệ múa sạp Hội Người cao tuổi Bản Lác, huyện Mai Châu (Hoà Bình).

Điểm nhấn, sườn Đông Yên Tử (Quảng Ninh) là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu tập, còn sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) là "con đường hoằng dương Phật pháp" của Ngài. Không gian văn hóa - Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử với những giá trị đặc sắc của khu du lịch tâm linh, ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương tìm đến.

Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử được quy hoạch 136 ha. Dự án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đã đưa vào vận hành phục vụ du khách từ 2019, với các hạng mục bao gồm: Tuyến cáp treo, khu quảng trường trung tâm, cùng các điểm chùa Hạ, chùa Thượng…

Giai đoạn 2 tới đây, Công ty cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử tiếp tục đầu tư khu lưu trú, khách sạn với cấp độ từ 3-4 sao; khu cắm trại ngoài trời quy mô lớn, dành cho du khách muốn trải nghiệm sự gần gũi với thiên nhiên; khu công viên phật giáo thế giới, các khu dịch vụ về shopping và ăn uống.

Ngoài ra, Sơn Động có điểm du lịch sinh thái Khe Rỗ, Đồng Cao cũng là điểm checkin thu hút nhiều du khách dịp ngày lễ và cuối tuần. Huyện đã xây dựng đề án bảo tồn, phục dựng các lễ hội cầu mùa của dân tộc Dao, lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, Nùng, bảo tồn điệu nhảy Tắc Xình của dân tộc Cao Lan, Sán Chí, lễ hội bơi Chải.

Dịch vụ xe điện đưa du khách thăm quan các điểm du lịch huyện Mai Châu (Hoà Bình).

BTV Tỉnh ủy 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương đã ký kết thúc đẩy liên kết vùng giai đoạn 2022- 2025. Trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện cho huyện Sơn Động gần biển hơn, mở ra cơ hội cho huyện thu hút đầu tư, kết nối tua, tuyến phát triển du lịch.

Tuy nhiên, du lịch Sơn Động phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Công tác thu hút đầu tư, quảng bá, bảo tồn và phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn, bản sắc văn hoá đồng bào dần bị mai một. Nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn vướng mắc về đất đai, đây cũng là cản trở lớn của huyện. Năm 2023, Sơn Động có khoảng 900 nghìn lượt khách, lượng du khách sử dụng dịch vụ, lưu trú đạt thấp. Doanh thu về du lịch ước đạt 416 tỷ đồng.

Đồng chí Tống Thị Hương Giang cho biết, Sơn Động với địa hình núi cao, diện tích rừng tự nhiên lớn, khí hậu trong lành, mát mẻ cùng với nhiều nét văn hoá, lịch sử đặc trưng rất đẹp như một “nàng công chúa ngủ trong rừng” nhưng chưa được đánh thức.

“Với tiềm năng đó, tới đây, Sơn Động phát triển lĩnh vực lưu trú gắn với các điểm du lịch cộng đồng bản Mậu (Tây Yên Tử), bản Nà Hin (xã Vân Sơn), bản Nà Ó (xã An Lạc). Đồng thời, kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển du lịch tại các vùng trọng điểm; tăng cường xúc tiến quảng bá về hình ảnh bản sắc văn hoá, danh lam thắng cảnh tới du khách, mở rộng liên kết với công ty du lịch, công ty lữ hành, hình thành các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh. Đây là lợi thế rất lớn để Sơn Động có thể cất cánh trong trong tương lai”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tống Thị Hương Giang khẳng định.

Thay mặt lãnh đạo huyện, đồng chí Đỗ Văn Cầm, Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự quan tâm mà huyện Mai Châu đã dành cho Sơn Động. Đồng thời, bày tỏ sự ấn tượng với những bước phát triển vượt bậc về KT-XH, du lịch của huyện Mai Châu.

Từ việc phân tích rõ những điểm tương đồng cũng như thời cơ, lợi thế và khó khăn về cơ chế, chính sách phát triển du lịch của hai địa phương sẽ là tiền đề quan trọng để tới đây huyện Sơn Động nghiên cứu, từ đó vận dụng vào điều kiện thực tiễn của huyện nhằm mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển du lịch tại địa phương.

Đoàn công tác huyện Sơn Động thăm mô hình nông trường Chè huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La)

Trước đó, đoàn công tác của huyện Sơn Động đến thăm, tìm hiểu thực tế các điểm du lịch cộng đồng tại huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La).

Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La hiện có rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách như: Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Rừng thông bản Áng; Khu du lịch sinh thái thác Dải Yếm; phố đi bộ Mộc Châu; đồi chè trái tim.

Đoàn công tác đến thăm mô hình homestay của anh Tráng A Chu, dân tộc Mông ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, vừa mang phong cách hiện đại, độc đáo nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông.

Đoàn công tác của huyện thăm mô hình du lịch cộng đồng của gia đình anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La).

Theo anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt có 5 hộ làm du lịch và 2 doanh nghiệp. Riêng homestay của gia đình anh có 10 căn hộ riêng và 2 nhà nghỉ cộng đồng, có thể đón 60-70 khách/ngày/đêm. Đặc biệt, các vật dụng homestay được anh làm bằng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường từ tre, gỗ. Những món đồ đó khiến du khách trong nước hay quốc tế đều cảm thấy thú vị, tò mò về nguồn gốc.

Phòng nghỉ được thiết kế bằng vật liệu tre, gỗ thân thiện với môi trường.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, homestay của anh Tráng A Chu đón khoảng hơn 1 nghìn lượt khách, trong đó chủ yếu là du khách nước ngoài tới thăm quan, nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông, tạo việc làm cho 10 lao động trong gia đình.

Xuân Thoả

Thứ tư, 01/05/2024

BẢN ĐỒ BẢN ĐỒ

 

 

TRUYỀN THANH SƠN ĐỘNG TRUYỀN THANH SƠN ĐỘNG

Slider ảnh Slider ảnh

THÔNG TIN TRỢ GIÚP THÔNG TIN TRỢ GIÚP

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 16,132
Tổng số trong ngày: 4,573
Tổng số trong tuần: 42,003
Tổng số trong tháng: 4,572
Tổng số trong năm: 853,901
Tổng số truy cập: 6,454,385