Asset Publisher Asset Publisher

Huyện Sơn Động phấn đấu đến năm 2025 có 20 sản phẩm OCOP

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

(SĐĐT) - Sáng 26/8, UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang) tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP năm 2023.

Dự hội thảo có đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới T.Ư, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sàn thương mại điện tử 24/7 (TP Hồ Chí Minh) cùng đại diện phòng chuyên môn các huyện, TP, một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX).

Đồng chí Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực  UBND huyện Sơn Động trao đổi tại hội thảo.

Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có một sản phẩm đạt 4 sao, còn lại 3 sao. Các sản phẩm được công nhận đều mang tính đặc trưng, truyền thống của huyện như: Rượu men lá Như Bảo, măng mai, nấm lim xanh, mật ong Tây Yên Tử, cam xoàn Bắc Giang, mật ong rừng Sơn Động... Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của huyện.

Tuy nhiên, theo đánh giá huyện chưa thu hút được doanh nghiệp đến đầu tư liên doanh, liên kết với các HTX, hộ kinh doanh để bao tiêu sản phẩm; các HTX quy mô sản xuất nhỏ chưa thực sự bền vững, thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình…

Năm 2023, cùng với giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng đối với 7 sản phẩm mới gồm: Hương thơm Bồng Am, măng mai Thanh Luận, miến dong Sơn Động, khau nhục Yên Định, trứng gà 6 ngón, bưởi da xanh, tinh dầu sả Tây Yên Tử, phấn đấu đến 2025 toàn huyện có 20 sản phẩm OCOP.

Các đại biểu thăm quan khu trừng bày sản phẩm đặc trưng của huyện.

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả chương trình OCOP gắn với sản phẩm dịch vụ du lịch. Một số ý kiến cho rằng tỉnh, huyện cần quan tâm hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, nâng hạng “sao” của các sản phẩm đã được công nhận; ưu tiên hỗ trợ sản phẩm OCOP có thế mạnh, tiềm năng như dược liệu, dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm.

Đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới T.Ư chia sẻ kinh nghiệm sản xuất sản phẩm OCOP.

Theo đồng chí Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, định hướng phát triển kinh tế của huyện trong thời gian tới là lấy nông, lâm nghiệp là động lực chủ yếu.

Do đó địa phương mong muốn Văn phòng điều phối nông thôn mới T.Ư, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như các địa phương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ Sơn Động triển khai thực hiện, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Sàn thương mại điện tử 24/7 quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, các chủ thể của huyện đưa các sản phẩm OCOP lên sàn.

Các chủ thể có sản phẩm OCOP tiếp tục quan tâm hoàn thiện bao bì, nhãn mác, tuân thủ nghiêm các quy định sản xuất an toàn, chất lượng, thường xuyên quan tâm đến việc nâng hạng sao.

Đồng chí lưu ý, ngay sau hội thảo, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nghiên cứu để tham mưu các giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm OCOP của huyện, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước chiếm lĩnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu.

Cũng tại hội thảo, Công ty cổ phần giải pháp Công nghệ H2A Việt Nam hướng dẫn các chủ thể, doanh nghiệp, HTX ứng dụng phầm mền vào đánh giá phân hạng OCOP; Sàn thương mại điện tử 24/7 hướng dẫn các chủ thể đưa các sản phẩm lên sàn.

UBND huyện Sơn Động thưởng các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP.

Nhân dịp này, UBND huyện Sơn Động hỗ trợ, trao thưởng cho 4 HTX có sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022 với tổng số tiền hơn 375 triệu đồng.

Tin, ảnh: Xuân Thoả- Trần Chung

Thứ tư, 22/05/2024

 

Slider ảnh Slider ảnh

User Online: 19,608
Total visited in day: 3,104
Total visited in Week: 32,302
Total visited in month: 172,777
Total visited in year: 1,022,106
Total visited: 6,622,590