Asset Publisher Asset Publisher

Hội nghị trực tuyến công tác phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn năm 2021

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

(SĐĐT) - Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 5/5, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến với 10 điểm cầu các huyện, TP tổng kết công tác phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ trì. 

Dự tại điểm cầu huyện Sơn Động có Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Trọng và các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại điểm cẩu UBND tỉnh.

Năm 2020, tại tỉnh Bắc Giang, thiên tai không gây thiệt hại về người song thiệt hại nặng về tài sản. Cụ thể, hơn 1.711 nhà bị tốc mái, sập; hư hỏng một số công trình thủy lợi, đường giao thông; ngập úng hơn 1 nghìn ha lúa, rau màu…Tổng thiệt hại hơn 44 tỷ đồng.

Năm 2021, dự báo các hình thái thời tiết cực đoan ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới dự báo có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (5-6 cơn ), trong đó 1-2 cơn ảnh hưởng đến tỉnh Bắc Giang.

Ngoài ra, Bắc Giang có khoảng 6-8 đợt nắng nóng diện rộng. Nhiệt độ cao nhất dự báo từ 39 –40 độ C. Các đợt mưa lớn xuất hiện ở rải rác các tháng (khoảng 9-11 đợt mưa lớn).

Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Hoàng Văn Trọng thảo luận tại điểm cầu UBND huyện.

Thảo luận tại điểm cầu huyện, ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Do án ngữ của dãy Yên Tử, huyện Sơn Động thường chịu ảnh hưởng bởi các trận bão kèm theo mưa to kéo dài, gây lũ lớn trên các sông, suối. Ngay như trận mưa sáng 5/5, nước sông, suối dâng cao khiến một số thôn, xã trong huyện bị chia cắt. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, trên địa bàn thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống người dân. Để chủ động phòng, chống ngay từ cơ sở, kịp thời hỗ trợ người dân, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bão, lũ gây ra, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai, thành lập mô hình “Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã”.

Theo đó, mỗi xã bố trí 35-40 người (nòng cốt dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên, công an) tham gia đội xung kích. Cùng với bảo quản vật tư, trang thiết bị dự trữ, các đội có nhiệm vụ hướng dẫn nhân dân phòng chống thiên tai; tuần tra bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi; tổ chức sơ tán, bảo vệ tài sản nhân dân; xử lý các tình huống để kịp thời ứng phó trước, trong và sau bão, lũ...

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của các đội xung kích, đề nghị UBND tỉnh xem xét phân bổ, hỗ trợ kinh phí mua sắm vật tư, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các đội; tổ chức tập huấn, nâng cao khả năng xử trí tình huống cho từng thành viên. Về phía địa phương, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai tới cộng đồng; tổ chức tập huấn, diễn tập, bổ sung trang thiết bị cho các đội xung kích PCTT - TKCN và người dân để có thể tự bảo vệ và hỗ trợ nhau trong thiên tai, lũ bão.

Tham luận tại hội nghị và một số điểm cầu, các đại biểu cho rằng, để chủ động giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, các ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng toàn diện của thiên tai, nhất là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất đến tất cả các khu vực để lồng ghép, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó phù hợp theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng địa phương, nhất là các khu vực vùng cao, ven sông, suối, khu vực đông dân cư...

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích PCTT kết hợp lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, từ đó từng bước hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 600 hồ, tập trung ở các vùng sâu, vùng xa, phần lớn các hồ chứa được xây dựng từ những năm 1970-1980, chất lượng công trình thấp nên cần có phương án vận hành, bảo đảm an toàn.

Xây dựng, củng cố, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng xung kích PCTT cấp cơ sở để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu.

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, thời tiết khó lường, không theo quy luật; thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, xuất hiện siêu bão, mưa lớn bất thường. Nếu không quan tâm công tác phòng, ứng phó thiên tai thì mọi hoạt động về phát triển kinh tế đều rất khó khăn. Do đó phải xây dựng phương án hiệu quả, xác định sống chung với bão, lũ, thiên tai song phải chế ngự được thiên tai.

Đồng chí cho rằng, năm 2020, Bắc Giang làm khá tốt công tác PCTT-TKCN do chuẩn bị lực lượng hiệp đồng chặt chẽ; vật tư, phương tiện chu đáo nên phản ứng nhanh, kịp thời một số tình huống, không làm ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống người dân.

Đồng chí chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCTT-TKCN vẫn còn một số hạn chế. Đó là, TP Bắc Giang mới mưa một trận vào sáng 5/5 đã ngập; đường truyền internet trục trặc; một bộ phận người dân, ngay cả cán bộ có tư tưởng chủ quan, cho rằng Bắc Giang ít có mưa lũ.

Một số nơi vén rừng tự nhiên trồng rừng kinh tế, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tình trạng vi phạm hành lang đê, công trình thủy lợi diễn ra phổ biến ở hầu khắp các địa phương.

Đồng chí chỉ đạo, muốn thực hiện tốt công tác PCTT-TKCN trước hết phải khắc phục ngay tư tưởng chủ quan, không được quan niệm Bắc Giang ít mưa bão vì thiên tai luôn diễn biến bất thường, không đoán trước được.

Cùng đó, nâng cao khả năng tự phòng, chống của các công trình; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về PCTT-TKCN của địa phương, rà soát lại xem các quy định của tỉnh, những gì chưa phù hợp để đồng bộ, từng bước chuyên nghiệp hoạt động này.

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống rủi ro thiên tai, khuyến khích người dân tham gia.

Tăng cường năng lực PCTT-TKCN của các địa phương; xây dựng lực lượng nòng cốt, xung kích ở từng cấp độ, đi vào thực chất. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực đáp ứng yêu cầu xử lý trong từng tình huống. Nắm chắc tình hình hiện trạng các công trình phòng, chống lụt bão; quan tâm chống úng ngập khu đô thị, khu công nghiệp và sản xuất nông nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào PCTT. Các cấp, ngành tự dự báo các tình huống, từ đó xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp, sát thực, tăng hiệu quả ứng phó với thiên tai.

Quang Việt

Thứ hai, 20/05/2024

 

Slider ảnh Slider ảnh

User Online: 20,083
Total visited in day: 229
Total visited in Week: 5,043
Total visited in month: 145,518
Total visited in year: 994,847
Total visited: 6,595,331