Asset Publisher Asset Publisher

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

Có dịp tham gia tuần tra rừng phòng hộ hồ Khe Chảo, xã Long Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) mới thấy những gian nan, vất vả của những người “gác rừng”.

Ngày cuối tháng 3, tôi cùng cán bộ Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng - Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang tới Trạm Kiểm soát lâm sản Hạ My thuộc thôn Tẩu, xã Long Sơn để cùng tuần tra rừng phòng hộ hồ Khe Chảo. Từ Trạm Hạ My, chúng tôi di chuyển bằng xe máy, chừng 15 phút sau lên đến bờ đập hồ Khe Chảo. 

Công trình thuỷ lợi hồ Khe Chảo.

Mặt hồ bao la soi bóng núi rừng. Từ đây, phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh trùng điệp màu xanh bạt ngàn. Hồ Khe Chảo được đưa vào sử dụng năm 2006. Với diện tích mặt nước 27 ha, mực nước chỗ sâu nhất là 28 mét, cung cấp nước tưới cho gần 300 ha đất nông nghiệp của xã Long Sơn, đưa sản xuất nông nghiệp từ 1 vụ lên 2 vụ. Chúng tôi lên chiếc thuyền máy, rồi di chuyển trên mặt hồ. 

Chỉ tay về phía những cánh rừng xanh ngút ngàn, anh Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động cho biết, rừng tự nhiên nơi đây thuộc loại rừng phòng hộ, đã giao cho cộng đồng thôn Tẩu quản lý bảo vệ. Nhiều năm qua, trên địa bàn không để xảy ra cháy rừng, cũng như tình trạng khai thác gỗ, chặt phá rừng trái pháp luật. Những cánh rừng này không chỉ tạo nguồn sinh thủy, cung cấp nước cho công trình thủy lợi, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học tại địa phương.

Ngồi trên thuyền máy, di chuyển qua nhiều đảo nhỏ, chừng 30 phút sau chúng tôi lên bờ, bắt đầu cho một hành trình xuyên rừng từ dưới lên đỉnh núi theo lối mòn, vượt qua nhiều dốc, lội qua vài con suối, luồn sâu vào vùng lõi rừng phòng hộ. Dưới tán rừng rậm rạp, người đi trước phải cầm dao phạt các cành cây nhỏ, dây gai để dễ đi hơn. Trên đường đi, bất ngờ chúng tôi gặp một cá thể rắn hổ mang bò qua trước mặt rồi mất hút vào bụi cây khiến cả đoàn giật mình. 

Đến một con suối, chúng tôi nghỉ chân. Cách chỗ tôi ngồi không xa là những cây gỗ dẻ to vượt vòng tay người ôm, đã có hàng chục năm tuổi. Anh Lã Tiến Sinh, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ phát triển rừng xã Long Sơn, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động chia sẻ: “Rừng tự nhiên nơi đây là hệ sinh thái nhiệt đới, đặc trưng của vùng rừng Đông Bắc Việt Nam. Không chỉ có giá trị đa dạng sinh học cao về thành phần loài mà còn là nơi phân bố của nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm. Tại đây, lớp cây thân gỗ như de, dẻ sau hàng chục năm được bảo vệ nghiêm ngặt, đến nay đã có rất nhiều cây gỗ có đường kính từ 20 - 30 cm, thậm chí có cây gỗ dẻ đường kính tới 60 cm, chiều cao vút ngọn từ 10 đến 15 m; ngoài ra, còn có nhiều loài động vật sinh sống”.

Là người có gần 18 năm tham gia công tác bảo vệ rừng tại địa phương, anh Ngọc Văn Lý, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng cộng đồng thôn Tẩu chia sẻ: “Tổ có 6 người, được giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ hơn 600 ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Khe Chảo. Hằng ngày, đều có 2 người đi tuần tra, không để cho lâm tặc xâm hại đến tài nguyên rừng. Ngoài việc ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ, chặt phá rừng trái pháp luật, các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng còn tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phân tích tác hại của việc phá rừng đến người dân địa phương; đồng thời, vận động, hướng dẫn người dân tham gia ký cam kết bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng phòng hộ ngày một thêm xanh tốt”.

Sau những phút giải lao, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình băng qua những con suối chảy róc rách, rồi lại leo lên những cái dốc đầy bùn và đá trơn trượt. Quá trưa thì cả đoàn tới đỉnh núi, nơi giáp ranh với xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. 

“Những năm 90 của thế kỷ trước, khu vực rừng này là điểm nóng của tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật. Nhưng hàng chục năm trở lại đây, tình trạng trên không còn xảy ra. Nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng luôn được anh em thực hiện thường xuyên, đặc biệt là khu vực rừng giáp ranh này. Tôi công tác trong ngành lâm nghiệp và gắn bó trên địa bàn huyện Sơn Động đã 25 năm liên tục, vì vậy, tôi thuộc từng vạt rừng, từng cái dốc, con suối trên địa bàn. Mọi thủ đoạn của “lâm tặc” đều được chúng tôi ghi nhận đầy đủ để ngăn chặn sớm”, anh Hiệu nói.

Khi về, tranh thủ độ dốc của núi, chúng tôi cố gắng đi nhanh để tránh sự đeo bám của lũ vắt ẩn mình dưới lớp đất mùn trên đường mòn. Sự mệt mỏi đã khiến tôi mất cả cảm giác bị vắt bám vào chân. Chỉ đến khi thấy đau buốt và nhìn xuống chân thì đã thấy chúng no máu căng tròn. 

Cứ như thế, mỗi một đoạn đường đi, chúng tôi lại phải dừng lại để xử lý một vết thương mới. Đến cuối giờ chiều đoàn chúng tôi về đến điểm xuất phát, kết thúc một ngày tuần rừng mệt nhọc. Ai cũng ớn lạnh vì mồ hôi thấm ngược trở lại cơ thể, khi chiếc áo đang mặc trên người ướt sũng.

Chia tay những người làm nhiệm vụ “gác rừng” phòng hộ hồ Khe Chảo, chúng tôi ra về và trong lòng đầy cảm phục trước những gian lao, vất vả của các anh. Chúng tôi hiểu rằng, những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Khe Chảo được bảo vệ nghiêm ngặt, cảnh quan, môi trường, sinh thái được giữ vững chính là những “trái ngọt” dành cho những nỗ lực, cố gắng ấy của các anh trong suốt bao năm qua.

BBT

Thứ hai, 20/05/2024

 

Slider ảnh Slider ảnh

User Online: 21,279
Total visited in day: 1,971
Total visited in Week: 6,785
Total visited in month: 147,260
Total visited in year: 996,589
Total visited: 6,597,073