Asset Publisher Asset Publisher

Đưa “lộc rừng” về nhà

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

(SĐĐT) - Với điều kiện tự nhiên đặc thù, huyện Sơn Động (Bắc Giang) có nguồn cây, con bản địa đa dạng, giá trị cao. Phát huy lợi thế, nhiều mô hình nhân giống, gây nuôi cây, con đặc sản hình thành, vừa giúp bảo vệ nguồn gen quý, vừa tăng thu nhập cho bà con. 

Ngày cuối tuần, cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động Lê Đức Thắng tới thăm khu vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Vương (SN 1972), dân tộc Tày ở thôn Gà, xã Vân Sơn. Xen dưới tán cây vải thiều, hồng nhân hậu là những cây trà hoa vàng xanh tốt, trong đó có những cây hơn 10 năm tuổi. 

UBND huyện đang tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ với từng mô hình, trước tiên đầu tư cho đơn vị hoạt động hiệu quả như dịch vụ môi trường, dược liệu, ong mật hữu cơ…

Theo lời anh Vương, khoảng những năm 2008, 2009, thương lái Trung Quốc đến địa bàn thu mua hoa, cây trà hoa vàng với giá cao nên nhiều người dân vào rừng đào cây về bán. Biết đây là loại cây quý, lá và hoa chế biến thành một loại trà có nhiều tác dụng, anh cũng lặn lội vào rừng tìm rồi mang về nhà trồng với mong muốn bảo tồn loại cây quý này.

Sau nhiều năm trồng, tự nhân giống, đến nay trong vườn của anh có hơn một nghìn cây với nhiều lứa tuổi khác nhau, có cây hơn 10 năm tuổi, cũng có cây anh vừa nhân giống trồng đầu năm. 

“Mỗi năm, tôi cũng chỉ thu khoảng 30 kg hoa để bán, còn lá để người dân trong thôn lấy về uống hoặc tắm cho trẻ em. Hiện tôi đang thử nghiệm chiết cành để nhân giống. Nếu thành công, cây trà hoa vàng của rừng Sơn Động có thể xuất hiện ở khắp nơi”, anh Vương chia sẻ.

Tìm hiểu được biết, nhiều mô hình trồng cây bản địa, nuôi con đặc sản trên địa bàn huyện đã mang lại những tín hiệu tích cực. Mô hình trồng ba kích tím của Hợp tác xã (HTX) ba kích tím Tây Yên Tử là ví dụ. Sau 4 năm trồng, nhân giống từ ba kích trong rừng, hơn 2 ha ba kích của các thành viên chuẩn bị cho thu hoạch với thu nhập dự kiến khoảng 600 triệu đồng/ha. Hiện các thành viên đang tìm hướng để chế biến thành các sản phẩm khác nhau, nâng giá trị của loại cây quý này.

 

UBND huyện đang tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ với từng mô hình, trước tiên đầu tư cho đơn vị hoạt động hiệu quả như dịch vụ môi trường, dược liệu, ong mật hữu cơ…

 

Tương tự, trang trại nuôi dúi của anh Hoàng Văn Hơn (SN 1981) ở thôn Đồng Hả, xã Yên Định cũng có nhiều khách đến tham quan, đặt hàng. Cách đây vài năm, trong một lần, anh Hơn bắt được vài con dúi rừng. Thay vì làm thịt, anh giữ lại nuôi thử. Thấy loài vật này sinh trưởng, phát triển tốt, anh tìm hiểu rồi mua thêm 50 cặp dúi về nhân giống. 

Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc khoa học, tiêm phòng đầy đủ và đầu tư chuồng nuôi bài bản, đàn dúi phát triển tốt. Hiện anh sở hữu hơn 200 con. “Đây là động vật hoang dã, ít bệnh tật; thịt thơm, ngọt. Để được nuôi, tôi báo cáo chính quyền địa phương và làm thủ tục để cơ quan chức năng cấp phép”, anh Hơn chia sẻ.

Nhằm phát triển cây dược liệu, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, tháng 12/2015, Huyện ủy Sơn Động ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây dược liệu, cây bản địa. Tận dụng thế mạnh thiên nhiên ưu đãi, hiệu quả rõ nét của chính sách và đầu tư bài bản, thiết thực, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ chuyển đổi sang trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên kết hợp trồng cây bản địa có giá trị kinh tế cao, tập trung vào các loại cây: Lim xanh, giổi, trám, dẻ, ba kích tím...

Đặc biệt, các nghề truyền thống như: Nuôi ong mật, nấu rượu men lá và chăn nuôi con đặc sản… phát huy hiệu quả, hình thành các mô hình HTX nông, lâm nghiệp do chính người dân làm chủ. Điển hình HTX dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh với sản phẩm mật ong Tây Yên Tử; HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động với sản phẩm mật ong rừng Sơn Động… góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng uy tín, thương hiệu. 

Ông Lương Ngọc Duy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Các mô hình mới tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phát huy tiềm năng đất đai của địa phương, khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý. Từ đó tạo nên những sản phẩm đặc trưng, tạo đà cho người nông dân bứt lên làm giàu”.

Mặc dù đã có những bước phát triển song qua đánh giá, hầu hết các mô hình trồng cây bản địa, gây nuôi con đặc sản trên địa bàn huyện đều do người dân chủ động tìm hiểu, nhân giống để phát triển. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, hộ gia đình là chủ yếu; việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong nông dân còn hạn chế... 

Khắc phục những hạn chế này, UBND huyện đang tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ với từng mô hình, trước tiên đầu tư cho đơn vị hoạt động hiệu quả như dịch vụ môi trường, dược liệu, ong mật hữu cơ…

“Để nâng cao trình độ sản xuất các cây, con đặc sản, huyện đang rà soát toàn bộ các mô hình, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, khai thác hiệu quả nguồn gen quý đang được các hộ dân lưu giữ. Cùng với trợ lực từ cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, mỗi người dân cũng cần chủ động trong sản xuất, liên hệ để tìm kiếm các nguồn hỗ trợ”, ông Lê Đức Thắng cho biết.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Thứ hai, 20/05/2024

 

Slider ảnh Slider ảnh

User Online: 23,781
Total visited in day: 2,461
Total visited in Week: 7,275
Total visited in month: 147,750
Total visited in year: 997,079
Total visited: 6,597,563