Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Đánh thức tiềm năng rừng Sơn Động

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Thời gian gần đây, tại các diễn đàn hội nghị của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Sơn Động, các đ/c lãnh đạo chủ chốt của huyện thường xuyên đề cập đến chủ trương phát triển các “Cánh rừng mẫu” song hành cùng nhiệm vụ xây dựng các “Cánh đồng mẫu” theo tinh thần Chỉ thị số 12/2013 của BTV Tỉnh ủy Bắc Giang và tỏ rõ quyết tâm xây dựng thành công mô hình này trong thời gian tới.  

10 tỉ đồng cho 1 khu rừng rộng 5 ha, nghe có vẻ là hoang tưởng nhưng hoàn toàn có thật ở Sơn Động, đó là khu rừng lim của hộ anh Lý Văn Tuấn - 45 tuổi ở thôn Đồng Sim, xã Tuấn Đạo, cách trung tâm huyện 15 km về hướng Tây nam. Trò chuyện với chúng tôi, anh Tuấn cho biết: Khu rừng này gia đình anh nhận quản lý bảo vệ từ đầu năm 1990. Những ngày mới nhận trông coi bảo vệ, cả 1 khu rừng già đã bị rút ruột gần hết, chỉ những cây lim non đường kính dưới 10 cm không bị cưa cắt mới còn sót lại. Sau hơn 20 năm kiên trì bảo vệ, chăm sóc và trồng dặm, đến nay khu rừng đã có gần 1000 cây lim lớn nhỏ, trong đó hơn 600 cây lim trưởng thành đến chu kỳ khai thác với chiều cao từ 20 đến 25 m, thân cây có vanh đường kính từ 35 đến 40 cm, mỗi cây hiện có giá khoảng 15 triệu đồng. Chỉ tính riêng gỗ lim trong khu rừng này đã có tổng giá trị trên 9 tỉ đồng, chưa kể hàng trăm loại cây dược liệu quý như ba kích, sâm nam, sa nhân, hà thủ ô mọc xen dưới tán rừng, nguồn lợi từ nhựa trám mỗi tháng thu được trên 2 triệu đồng, măng tre nứa mùa nào thức nấy, rồi giá trị về cảnh quan thiên nhiên và lợi ích về môi trường, môi sinh thì không thể đo đếm được. Nhờ có khu rừng này mà gia đình anh Tuấn đã thoát nghèo, cuộc sống trở nên khấm khá, nhà cửa được xây dựng khang trang, con cái có điều kiện được học hành đầy đủ, tài nguyên rừng được bảo vệ tốt hơn.

Anh Tuấn hàng ngày chăm chút bảo vệ để cánh rừng lim của gia đình thêm xanh tốt

Tương tự, khu rừng cộng đồng tại thôn Chao, xã An Lập 10 năm trước cũng đã từng bị đánh tả tơi do nạn chặt phá trái phép gây ra. Thế rồi thực hiện chính sách của Nhà nước về giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, toàn bộ diện tích 126 ha rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc địa phận thôn Chao đã được giao cho 77 hộ dân trong thôn cùng quản lý bảo vệ và sử dụng ổn định trong thời gian 50 năm. Ban quản lý thôn đã xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng tại từng khu, khoảnh cụ thể, phân định rõ trách nhiệm đối với từng hộ gia đình nhận khoán bảo vệ cũng như quyền lợi các hộ được hưởng trên phần diện tích rừng được giao. Từ đó ý thức quản lý bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt, để giờ đây cả 1 khu rừng rộng lớn đang dần hồi sinh mạnh mẽ. Bà Ngọc Thị Tiền - Trưởng thôn Chao phấn khởi bày tỏ:

“Mỗi lần thăm rừng tôi lại thấy lòng mình phấn chấn  hẳn lên vì mới ngày nào những cây lim, cây lát bé tí còi cọc, nay nhờ được bảo vệ chăm sóc tốt đã trở thành những cây đại thụ xanh tốt; gia đình tôi và các hộ nhận trông coi bảo vệ cũng được hưởng rất nhiều nguồn lợi từ măng tre, củi đóm khô làm chất đốt hàng ngày, lại được nhà nước trả tiền công bảo vệ nên rất yên tâm phấn khởi”

Khu rừng của hộ anh Lý Văn Tuấn ở thôn Đồng Sim, xã Tuấn Đạo và khu rừng cộng đồng thôn Chao, xã An lập được coi là những hình mẫu về quản lý bảo vệ tốt tài nguyên rừng ở huyện Sơn Động. Với trên 60.000 ha, chiếm khoảng 70% tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện, từ lâu huyện Sơn Động đã  xác định tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp chính là tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên do đời sống khó khăn, nhiều hộ dân sinh sống gần rừng nhưng chưa được hưởng lợi ích thỏa đáng từ rừng; bên cạnh đó công tác quản lý nhà nước về bảo vệ rừng có lúc, cơ nơi còn bị buông lỏng đã gây ra sức ép lên tài nguyên rừng không hề nhỏ. Thông qua các chuyến đi khảo sát trực tiếp tại các cánh rừng và cũng xuất phát từ thực tế có 1 số mô hình rừng bảo vệ và rừng sản xuất đang phát huy tốt hiệu quả, các đ/c lãnh đạo chủ chốt của huyện Sơn Động đã thống nhất chung 1 quan điểm: Muốn khai thác tốt tiềm năng thế mạnh từ rừng và đất lâm nghiệp để phát triển KT - XH của địa phương thì trước tiên phải quản lý thật tốt diện tích rừng hiện có, và muốn giữ được rừng thì phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng dân cư và chủ hộ nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng. Từ đây khái niệm “Cánh rừng mẫu” dần được định hình trong tư duy của những người lãnh đạo thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện.

Các đ/c lãnh đạo Huyện ủy khảo sát thực tế tại cánh rừng nguyên sinh thôn Hấu 1, xã Phúc Thắng

Theo đó cánh rừng mẫu được xác định có 2 loại, loại thứ nhất là rừng đặc dụng và phòng hộ đầu nguồn cần bảo vệ nghiêm ngặt để giữ được nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của tài nguyên rừng; loại thứ 2 là rừng sản xuất có thể chuyên canh trồng cây lấy gỗ để khai thác theo chu kỳ hoặc khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung các loại cây lâm sản ngoài gỗ tại các thảm thực vật dưới tán rừng để người dân có thu nhập ổn định, yên tâm giữ rừng.

Chủ trương của Huyện ủy Sơn Động về xây dựng “Cánh rừng mẫu” song hành cùng xây dựng “Cánh đồng mẫu” theo tinh thần Chỉ thị số 12/2013 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 06/2013 của HĐND tỉnh Bắc Giang đã nhận được sự đồng thuận cao của các cấp lãnh đạo cũng như đông đảo người dân. Tại buổi làm việc mới đây với BTV Huyện ủy Sơn Động, đ/c Trần Sĩ Thanh - Ủy viên dự khuyết BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đã hoan nghênh ý tưởng độc đáo này của lãnh đạo huyện Sơn Động và khẳng định đây là lần đầu tiên khái niệm “Cánh rừng mẫu” ông được nghe tới. Xây dựng cánh rừng mẫu là 1 cách làm mới, sáng tạo và mang tính khả thi cao với thực tế của 1 huyện miền núi. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ thường xuyên quan tâm chỉ đạo, theo dõi và nhất trí hỗ trợ kinh phí để huyện Sơn Động thực hiện thành công mô hình cánh rừng mẫu giống như “Cánh đồng mẫu” trong sản xuất nông nghiệp. Về phần mình, quán triệt chủ trương lãnh đạo của Huyện ủy, hiện nay UBND huyện Sơn Động đang tập trung chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện tiến hành rà soát lại toàn diện tích rừng tự nhiên đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn để giao cho các tổ chức, cá nhân hộ gia đình quản lý bảo vệ, đảm bảo 100% diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn đều có chủ; bên cạnh đó tham mưu xây dựng Đề án tổng thể phát triển các cánh rừng mẫu trên địa bàn huyện giai đoạn 2014 - 2016 trình Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt và triển khai thực hiện. UBND huyện cũng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ nguồn vốn sự nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn, dành một phần kinh phí để đầu tư phát triển các cánh rừng mẫu bằng việc chi hỗ trợ bổ sung chế độ khoán bảo vệ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ngoài chính sách của Nhà nước đang áp dụng, đồng thời triển khai các dự án đầu tư hỗ trợ trồng cây lâm sản ngoài gỗ như ba kích, măng mai và cây dược liệu quý dưới các tán rừng, qua đó giúp người dân lấy ngắn nuôi dài, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm giữ rừng. Ngay trong năm 2014, huyện sẽ thực hiện thí điểm 2 mô hình cánh rừng mẫu với tổng diện tích 120 ha tại 2 xã An Lập và Long Sơn, sau đó rút kinh nghiệm và từng bước nhân ra diện rộng.

Rừng nguyên sinh Tây Yên tử (thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu)

Đồng chí Nguyễn Hồng Luân - TUV, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, Nguyên Bí thư Huyện ủy Sơn Động khẳng định: Xây dựng cánh rừng mẫu là 1 chủ trương mới của huyện. Cũng do là cách làm mới chưa có tiền lệ nên thời gian đầu thực hiện có thể phát sinh những khó khăn vướng mắc gần phải tháo gỡ. Song lãnh đạo huyện đều có chung 1 ý chí quyết tâm, lại được sự ủng hộ giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh và sự đồng thuận cao của người dân, nhất định việc triển khai xây dựng các cánh rừng mẫu ở huyện vùng cao Sơn Động cũng sẽ thành công như những cánh đồng mẫu lớn tại các huyện đồng bằng.

 

   Tiến Dũng

 

Thứ năm, 25/04/2024

BẢN ĐỒ BẢN ĐỒ

 

 

TRUYỀN THANH SƠN ĐỘNG TRUYỀN THANH SƠN ĐỘNG

Slider ảnh Slider ảnh

THÔNG TIN TRỢ GIÚP THÔNG TIN TRỢ GIÚP

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,971
Tổng số trong ngày: 4,127
Tổng số trong tuần: 20,477
Tổng số trong tháng: 114,079
Tổng số trong năm: 795,957
Tổng số truy cập: 6,396,441